Lại muốn huy động 60 tỷ USD tiền trong dân

Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao. Tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 21/8, các Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới đánh giá, phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp để Việt Nam huy động được nguồn vốn dài hạn.

Tiếp tục đề xuất huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Ảnh: Getty/MarketWatch.

Ông Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.

Thứ nhất là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn?.

Thứ hai là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Alatabani, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.

Cũng nhấn mạnh đến tiềm năng của nguồn vốn nhàn rỗi, ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, có thể thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...

"Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng...", ông Ketut Kusuma nói.

Ông Ketut Kusuma cho rằng, khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân.

Nhiều lần muốn huy động vàng trong dân

Liên quan tới nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, lần đầu tiên Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh, khi đó đã có nhiều tranh cãi trái chiều. Đề xuất không thực hiện được.

Tiếp đến, đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Nghị quyết yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất - kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.

Lại kiến nghị huy động vàng trong dân

Chuyện huy động vàng trong dân còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ngay tại một số kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng được đưa ra chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, song đến nay vẫn chưa có lời giải.

Thực tế, thời gian qua có nhiều giải pháp được đưa ra bàn luận, tranh cãi nảy lửa, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa có một giải pháp nào được phê duyệt.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của người dân, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân thì khó huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế”.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/lai-muon-huy-dong-60-ty-usd-tien-trong-dan-3364110/