Lại lo lộ, lọt thông tin tài khoản

Đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là một trong các vấn đề mang tính 'sống còn' trong kế hoạch phát triển kinh doanh của các ngân hàng. Việc rò rỉ thông tin khách hàng có thể khiến một số ngân hàng mất đi nhiều khách hàng trung thành và khách hàng tiềm năng.

 Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng sẽ có hiệu lực từ 1.11.2018. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng sẽ có hiệu lực từ 1.11.2018. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tuy nhiên, theo quy định mới của Nghị định 117/2018/NĐ-CP, chỉ cần là cấp Phó Chánh Thanh tra huyện hay thành viên đoàn thanh tra cũng có quyền ký vào văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân khách hàng như số tài khoản, thông tin cá nhân, thông tin giao dịch rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền của khách hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định ban ra thiếu điều kiện kèm theo cụ thể thì tính thực thi rất yếu.

Quyền của ngân hàng tới đâu?

Kể từ ngày 1.11 tới đây, Nghị định 117/2018/NĐ-CP ban hành ngày 11.9.2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực. Trong đó, theo Điều 4 của nghị định này, về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nghị định này và pháp luật có liên quan.

Thêm vào đó, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.

Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng sẽ có hiệu lực từ 1.11.2018. Ảnh: P.V

Ai được ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng?

Theo quy định, Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin phải đính kèm tài liệu do cấp có thẩm quyền ban hành và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan để chứng minh lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (quyết định thanh tra, quyết định kiểm tra, quyết định kiểm toán, quyết định khởi tố, bản án, quyết định thi hành án, quyết định truy tố, quyết định cưỡng chế, quyết định xử phạt vi phạm hoặc văn bản tương đương khác). Thêm vào đó, tài liệu này không áp dụng đối với yêu cầu cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Theo Điều 10 của Nghị định 117/2018, văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do các cá nhân sau đây ký gồm Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát Nhân dân các cấp, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án Nhân dân Tối cao, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan...

Tuy nhiên, đáng chú ý, ngay cả các cá nhân ở cấp “Phó Chánh Thanh tra huyện” hay “thành viên đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra”... cũng được quyền yêu cầu ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Trao đổi với PV báo Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng bày tỏ lo ngại cho rằng, việc mở rộng cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng như vậy nếu không được quản lý chặt chẽ thì có thể xảy ra câu chuyện lạm dụng. Các thay đổi chính sách có thể khiến các doanh nghiệp e ngại khi tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bàn về vấn đề này, TS-Luật sư Bùi Quang Tín - CEO của Trường Doanh nhân BizLight - cho rằng: “Đối với các cá nhân chỉ là thành viên của đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật cũng có quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng thì có vẻ như phạm vi đối tượng mà nghị định cho phép ký văn bản đã hơi mở rộng. Theo tôi, có thể mở rộng đối tượng, chủ thể truy xuất thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân. Tuy nhiên, khi mở rộng đối tượng thì phải kèm theo điều kiện cần chặt. Vừa mở vừa siết. Điều kiện để thành viên đoàn thanh tra yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng phải khác với điều kiện mà các cấp cao như Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra… yêu cầu. Việc mở để tạo điều kiện cho các chủ thể có điều kiện tiếp cận thông tin trong quá trình thực hiện công việc theo quy định nhà nước, nhưng nếu mở rộng mà điều kiện lỏng thì có thể tạo ra câu chuyện lợi dụng để làm việc không đúng”.

Cũng theo TS-Luật sư Bùi Quang Tín, theo xu hướng hiện đại trên thế giới, việc Chính phủ ban hành nghị định là có thể áp dụng được ngay vào thực tiễn, không cần Thông tư hướng dẫn. Trước đó Chính phủ đã có sự tham mưu của các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước… Tuy nhiên, các ban hành pháp luật theo hướng hiện đại có thể là con dao hai lưỡi. Nghị định ban ra thiếu điều kiện kèm theo cụ thể thì tính thực thi rất yếu.

Ví dụ, cần có quy định rõ hành vi vi phạm như thế nào, chủ thể ra sao, tác động xã hội ra sao thì áp dụng thế nào... Các cơ quan bên dưới không thể tùy nghi áp dụng.Văn bản được ban hành thì cần sự nghiên cứ kỹ.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, xu hướng ban hành mới là rất tốt nhưng việc áp dụng cần quy định rất cụ thể thì nghị định mới đi vào đời sống.

MI VÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/lai-lo-lo-lot-thong-tin-tai-khoan-638896.ldo