Lại lo chuyện tăng phí ngân hàng, mất tiền trong tài khoản

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức ở Hà Nội cho thấy, khách hàng còn băn khoăn về vấn đề chủ sử dụng thẻ ngân hàng đang phải chịu nhiều loại phí và vấn đề mất tiền trong tài khoản.

Khách hàng cho rằng ngân hàng đang tận thu phí dịch vụ, dẫn đến phí chồng phí. Trong khi người đại diện Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định theo Thông tư 35/2012 của NHNN cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ tháng 3/2013 với lộ trình áp dụng tối đa là 1.000 đồng/giao dịch rút tiền. Sau đó, tăng dần lên 2.000 đồng và từ năm 2015 trở đi tăng lên 3.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng vẫn đang áp dụng mức thu 1.000 đồng/giao dịch, chỉ có một số đang tiến đến mức trần theo lộ trình cho phép. Vì vậy việc tăng phí là thỏa đáng nhưng mức thu bao nhiêu mới là vấn đề? Các ngân hàng cũng nói thu phí như hiện nay là quá thấp. Để hòa vốn đầu tư một cây ATM có thể phải thu 7.000 đồng/giao dịch và luôn có xu hướng tăng. Vậy làm thế nào để có mức phí thẻ hợp lý, hài lòng cho cả 2 bên. Có phải cứ đầu tư cho ATM bao nhiêu thì phải phân bổ hết cho người sử dụng bấy nhiêu không?

Nhiều khách hàng lo ngại, sắp có đợt tăng phí rút tiền nội mạng từ 1.000 đồng lên mức 1.650 đồng/giao dịch, nhiều loại phí ngân hàng khác cũng ngày càng tăng. Việc cải thiện tỷ trọng thu từ dịch vụ đang được nhiều ngân hàng tính đến, bởi đây được xem là nguồn thu bền vững, ít rủi ro hơn so với hoạt động tín dụng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thông báo, từ 12/5 tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM, mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch. Nếu tính cả thuế Giá trị gia tăng 10%, chủ thẻ sẽ phải trả 1.650 đồng cho mỗi lần rút tiền. Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch.

Vietinbank đưa ra hai mức phí rút tiền tại ATM của chính ngân hàng áp dụng cho các dòng thẻ khác nhau. Cụ thể, Thẻ Gold, Pink-Card chịu mức phí là 2.200 đồng/giao dịch (sau thuế), với dòng thẻ C-Card, S-Card mức phí là 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế).

Trong khi đó, BIDV - ngân hàng còn sót lại của nhóm Big 4 có gốc nhà nước, vẫn chưa thông báo biểu phí rút tiền ATM mới.

Như vậy, đã có 3 ngân hàng lớn nhất tăng phí rút tiền nội mạng sau 5 năm “đứng yên”, kéo theo hơn 50% số người dùng sẽ phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.

Trước đó, tháng 3/2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh một số loại phí, như nâng mức phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng, mức phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng sẽ là 5.500 đồng/lần, thu phí quản lý tài khoản thanh toán mức 2.200 đồng/tháng...

Nhiều khách hàng lo ngại sau khi Agribank tiên phong, một loạt các ngân hàng khác sẽ làm theo, tăng phí rút tiền nội mạng lên mức 1.650 đồng/giao dịch. Rất nhiều người sử dụng thẻ ATM để rút tiền cho biết, họ không có sự lựa chọn nào khác, bởi quy định trả lương qua tài khoản. Trong đó, những người có thu nhập thấp phải chịu thiệt thòi nhất. Việc tăng phí hay đặt ra các loại phí tùy tiện, sẽ gây bất lợi cho các chủ tài khoản. Điều đáng lo ngại là khi các ngân hàng đều tăng phí thì khách hàng vẫn phải chấp nhận, vì không có lựa chọn khác.

Một vấn đề lớn hơn nữa mà khách hàng lo ngại đó là tình trạng mất tiền trong tài khoản và các vấn đề liên quan đến bảo mật và rủi ro thanh toán. Các thông tin cho thấy, nước ta là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, năm 2017 chỉ bằng khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới (theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như VISA-MasterCard). Hệ thống công nghệ của ngân hàng trong thời gian gần đây được trang bị đầu tư khá tốt, tội phạm mạng thấy khả năng thành công rất thấp nên chuyển hướng sang đối tượng dễ tổn thương hơn là khách hàng.

Không phủ nhận sự nỗ lực của các ngân hàng. Tuy nhiên các vụ mất tiền tại ngân hàng ngày càng nhiều, khiến khách hàng không khỏi hoang mang lo lắng. Vì vậy, ngân hàng cần có thống kê bao nhiêu phần trăm do lỗi công nghệ của chính ngân hàng, do khách hàng sử dụng sơ ý lộ thông tin, do cán bộ ngân hàng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chỉ khi xác định thấu đáo mới có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

TRUNG KIÊN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lai-lo-chuyen-tang-phi-ngan-hang-mat-tien-trong-tai-khoan-n144369.html