Lai lịch khó tin của ca khúc 'Ngẫu hứng lý qua cầu'

Ca khúc 'Ngẫu hứng lý qua cầu' của Trần Tiến đã rất quen thuộc, nhưng công chúng ít biết tác phẩm có nguồn cơn từ bài thơ của Bế Kiến Quốc.

 Nhà thơ Bế Kiến Quốc qua nét vẽ của họa sĩ Thành Chương.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc qua nét vẽ của họa sĩ Thành Chương.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949-2002) là một tác giả tiêu biểu trong thế hệ cầm bút chống Mỹ cứu nước. Thời trai trẻ, Bế Kiến Quốc đã cất cao giọng thơ hào sảng mà trữ tình: “Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/ Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông/ Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng/ Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/ Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh”.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc có ý thức đổi mới thi ca từ khi còn cặm cụi làm biên tập viên ở báo Văn Nghệ. Ông chú trọng lập ý, lập tứ để bài thơ đi thẳng vào lòng công chúng, mà không phải quá cầu cạnh vào vần điệu đong đưa. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi bài thơ “Hoa huệ” của ông có một dạo bị nhầm lẫn là sáng tác của nhà thơ Đức - Henrich Hainơ: “Hoa huệ trắng. Và bức tường cũng trắng/ Sao bóng hoa trên tường lại đen? Em đừng nhìn đi đâu nữa em/ Anh không biết vì sao anh có lỗi/ Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi: Sao bóng hoa trên tường lại đen…”.

Sau cú thiệt thòi vì nghi án “Hoa huệ”, nhà thơ Bế Kiến Quốc lại phải chấp nhận một cú thiệt thòi nữa: Bài thơ “Điệu lý qua cầu” được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu”, nhưng không ai biết tác giả phần lời.

Nhạc sĩ Trần Tiến.

Ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu” nằm trong chùm ca khúc “ngẫu hứng” của nhạc sĩ Trần Tiến, bao gồm “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng giao duyên”…

Nhạc sĩ Trần Tiến vốn bản tính phiêu lãng, nên cũng chẳng chú trọng bản quyền. Ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu” sau khi công bố đã được thu âm và biểu diễn hàng vạn lần, nhưng nhạc sĩ Trần Tiến không có cơ hội đề cập đến bài thơ đã gợi hứng cho mình. Tất nhiên, khi phổ nhạc thì nhạc sĩ Trần Tiến đã bổ sung thêm nhiều chi tiết và ngôn từ để có được hình hài ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu”.

Bài thơ “Điệu lý qua cầu” được nhà thơ Bế Kiến Quốc viết tại Cao Lãnh - Đồng Tháp vào tháng 7-1984. Được địa phương mời đứng lớp hướng dẫn khóa sáng tác ngắn hạn, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã ngây ngất trước vẻ đẹp tươi tắn và hồn nhiên của một cô gái trẻ làm thơ. Nhà thơ Bế Kiến Quốc vận dụng chất liệu dân gian Nam bộ để viết những câu thơ đắm đuối dành tặng cho thiếu nữ miệt vườn mộng mơ nhỏ hơn mình 14 tuổi. Có lẽ nhờ men xúc tác khích lệ từ món quà “Điệu lý qua cầu”, nhân vật trong bài thơ sau này cũng trở thành một nhà thơ nổi tiếng.

Lúc sinh thời, nhà thơ Bế Kiến Quốc không hề trách giận gì nhạc sĩ Trần Tiến, khi bản thân không nhận được vai trò đồng tác giả của ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu”. Đối với nhà thơ Bế Kiến Quốc, lời thơ được hát lên đã gửi gắm dùm ông niềm riêng xa vắng.

LÊ THIẾU NHƠN (chọn và giới thiệu)

ĐIỆU LÝ QUA CẦU

Bằng lòng đi em...

Nhưng má anh đã mất

Mịt mù xa Nam – Bắc khó đưa dâu

Bằng lòng đi em...

Nữa mai rồi cách mặt

Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu

Bằng lòng đi em...

Dẫu chỉ nhờ câu hát

Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau

Bằng lòng đi em...

Mỗi khi buồn muốn khóc

Một mình anh ca điệu lý qua cầu...

BẾ KIẾN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lai-lich-kho-tin-cua-ca-khuc-ngau-hung-ly-qua-cau-d269867.html