Lại làm giả bằng cấp

Các công đoạn làm giả được hoàn chỉnh "từ A đến Z", toàn bộ hình dấu và chữ ký được tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer.

Trước đây, các hình dấu được tội phạm làm giấy tờ giả sản xuất bằng phương thức coppy, scan từ hình dấu thật rồi in màu kỹ thuật số. Chữ ký giả cũng được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số hoặc tập ký chữ ký giả. Việc làm giả trên dễ bị phát hiện bằng mắt thường do không tạo được vết hằn chữ ký trên bản in và mực không đồng màu như đóng dấu. Thế nhưng trong vụ án mà Công an quận Cầu Giấy vừa triệt phá thì thủ đoạn sản xuất giấy tờ giả hết sức tinh vi. Các công đoạn làm giả được hoàn chỉnh "từ A đến Z", toàn bộ hình dấu và chữ ký được tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer.

Số bằng giả thu được trong vụ án Lê Văn Bộ

Trung tá Nguyễn Quang Huy - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội đánh giá, qua công tác giám định cho thấy phương thức sản xuất giấy tờ giả của các đối tượng rất chuyên nghiệp, có kiến thức và hiểu biết sâu về tin học, công nghệ khắc dấu, in ấn, các ứng dụng mới của công nghệ kỹ thuật số…

Các hình dấu làm bằng phương pháp này khi sử dụng đóng dấu trực tiếp trên văn bản rất sắc nét, khó phân biệt bằng mắt thường do mực in đều, đồng màu. Phông chữ và kích cỡ trên con dấu được chỉnh sửa bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số trên máy vi tính cho độ chính xác cao, giống với con dấu thật khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn. Với công nghệ làm giả này, tội phạm có thể làm giả bất cứ tài liệu nào chúng muốn. Các phôi văn bằng giả cũng được làm bằng phương pháp tương tự.

Như vụ án Lê Văn Bộ, sinh năm 1987, quê ở Kinh Môn, Hải Dương, đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất các loại bằng cấp, chứng chỉ giả vừa bị Công an quận Cầu Giấy triệt phá. Khám xét hiện trường vụ án, cơ quan công an thu giữ số lượng lớn tang vật gồm 14 máy móc, thiết bị các loại phục vụ cho việc sản xuất con dấu giả và in ấn bằng cấp giả, gần 100 con dấu tròn của các trường THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc, hàng trăm loại dấu tên và chức danh các hiệu trưởng, hiệu phó, giám đốc, phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh… hơn 8.000 phôi văn bằng, chứng chỉ, học bạ giả và trên 400 tem chống giả được Bộ mua trên thị trường để dán lên bằng giả.

Để hoàn thành việc làm bằng giả, Bộ tiếp tục đánh máy thông tin cá nhân của khách hàng, dùng con dấu chữ ký giả, dấu tròn giả đóng trực tiếp lên văn bằng giả. Với màu mực tươi, những con dấu giả bằng cao su đã giúp cho Bộ sản xuất ra các tấm bằng cấp giả giống y chang như bằng cấp thật. Việc sản xuất phôi bằng tự động trên máy vừa nhanh gọn, đơn giản nên Bộ cho "ra lò" hàng chục nghìn bản phôi các loại theo mẫu thu thập được.

Theo khai nhận của đối tượng Lê Văn Bộ, toàn bộ thiết bị, máy móc in ấn đều được Bộ mua công khai trên thị trường. Có thiết bị mua tại cửa hàng, có thiết bị được rao bán trên mạng… Ngoài các loại máy in màu có thể mua ở bất cứ cửa hàng thiết bị văn phòng nào thì riêng đối với máy khắc, anh ta lên mạng giao dịch, sau đó đến mua tại một cửa hàng ở khu vực phố Trường Chinh, quận Đống Đa. Sau đó, sử dụng thành thạo phần mềm Corel chỉnh sửa, vẽ ảnh trên máy tính như anh ta thì có thể khắc được bất cứ loại hình dấu nào theo mẫu thu thập được.

Với "dây chuyền" công nghệ hiện đại này, Bộ khai khoảng 30 phút thì khắc xong 1 dấu tròn, 10 phút khắc xong 1 dấu tên, dấu chữ ký hoặc dấu chức danh. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, với số lượng mẫu mã văn bằng, con dấu đã thu thập được, Bộ sản xuất một lèo gần 100 dấu tên và chức danh hiệu trưởng, hiệu phó các trường, lãnh đạo các sở, dấu tên của các giáo sư, tiến sĩ… cùng gần 100 mẫu dấu tròn của các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Bộ khai chỉ không dám làm giả con dấu, chữ ký của các trường công an, quân đội bởi dễ bị lộ, còn lại thì không trường nào mà anh ta không dám làm giả. Giá trung bình 3 triệu đồng/bằng đại học giả, 2 triệu đồng/bằng trung cấp, cao đẳng giả, 500 nghìn đến 1 triệu đồng/bằng tốt nghiệp THPT giả, 150 - 200 nghìn đồng/chứng chỉ giả.

Trung tá Nguyễn Quang Huy cảnh báo, trong thời gian gần đây, tình trạng làm giả giấy tờ, tài liệu có xu hướng gia tăng. Bất cứ loại giấy tờ nào cũng bị làm giả, trong đó nhiều nhất là giấy khám sức khỏe giả phục vụ yêu cầu học tập, xin việc; đăng ký ôtô, xe máy giả phục vụ việc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; giấy tờ có giá giả để lừa đảo cầm cố như sổ tiết kiệm giả, sổ đỏ giả…

Ngoài ra còn xuất hiện việc làm giả dấu, chữ ký của công chứng viên trên các bản sao chứng thực, gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan chức năng trong xác định thật - giả khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch kinh tế… Trong số 359 hình dấu trên tài liệu được các đơn vị gửi trưng cầu giám định trong 6 tháng đầu năm 2014, Phòng PC54 đã phát hiện 319 tài liệu có hình dấu giả, 185 đăng ký xe giả, 2 sổ đỏ giả.

Điển hình như vụ Vũ Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng cá nhân HDBank Chi nhánh Hoàn Kiếm làm giả phôi thẻ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi để chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng; thu giữ 72 phôi thẻ giả được làm bằng phương pháp in màu kỹ thuật số. Hay vụ giám định phát hiện 80 giấy chứng nhận kết quả thi đại học giả tại một trường đại học tư thục trên địa bàn Hà Nội… Đây là đường dây sản xuất bằng giả lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn Hà Nội.

Trở lại với vụ triệt phá đường dây sản xuất bằng cấp giả do Lê Văn Bộ cầm đầu, từ lời khai của đối tượng cho thấy có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường đối với các loại máy móc, thiết bị đặc biệt liên quan đến in ấn, dẫn đến việc tội phạm lợi dụng hoạt động. Bằng cấp giả đang là một trong những vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm sản xuất, mua bán văn bằng giả, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý bởi hậu họa từ giấy tờ giả là khôn lường.

Hương Vũ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/8-lai-lam-gia-bang-cap-22609.html