Lại là 'tâm lý… kỷ lục'!

Âm nhạc luôn có sức sống nội tại lâu bền, nếu như quả thực đó là thứ âm nhạc đi vào lòng người, khơi gợi được những cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ.

Tại đêm chung kết 2 và trao giải của Rap Việt 2020, MC Trấn Thành thông báo ở gần cuối chương trình về thông tin Rap Việt lập nên "kỷ lục thế giới" với số lượng người xem trực tuyến cao nhất hiện nay: "Rap Việt chính thức trở thành chương trình YouTube phá kỷ lục thế giới với số lượng người coi trực tuyến cao nhất hiện nay, với hơn 910.000 người coi cùng một lúc". Ngay sau đó, Trấn Thành tiếp tục cập nhật: "Xin nhắc lại thông tin mới nhất được nhận là 1.121.000 người coi".

Nhạc rap đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục năm trước, đã kịp thu nạp được một lượng khán giả riêng. Nhưng nếu nhìn toàn cục thì thể loại âm nhạc này không hẳn là "món khoái khẩu" của số đông công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật. Đó cũng là điều đang diễn ra trên thị trường âm nhạc thế giới, khi nhạc rap chưa bao giờ trở thành một "thế lực đáng gờm" để cạnh tranh với các thể loại âm nhạc thịnh hành khác, như pop-rock, R&B, jazz hay ballad…

Tại đêm chung kết 2 và trao giải của Rap Việt 2020, MC Trấn Thành thông báo ở gần cuối chương trình về thông tin Rap Việt lập nên "kỷ lục thế giới"

Tại đêm chung kết 2 và trao giải của Rap Việt 2020, MC Trấn Thành thông báo ở gần cuối chương trình về thông tin Rap Việt lập nên "kỷ lục thế giới"

Một thời gian dài, nhạc rap chủ yếu được phổ biến trên mạng, được coi là dòng nhạc underground - tức không thuộc dòng chính thống. Việc tổ chức cuộc thi Rap Việt là một nỗ lực của các nhà tổ chức nhằm quảng bá cho thể loại âm nhạc này trên thị trường, cố gắng đưa nó thoát khỏi "phận" underground. Vì thế, một lực lượng truyền thông hùng hậu đã được huy động để đưa tin về cuộc thi này như một "sự kiện văn hóa tầm cỡ"!

Việc công bố "lập kỷ lục thế giới" thông qua một MC đang rất ăn khách là Trấn Thành, cũng không nằm ngoài mục đích đó. Chính phía Rap Việt cũng dựa vào thông tin này để đưa ra thông báo với các đơn vị truyền thông: "Với hơn 1,1 triệu lượt xem cùng lúc đã giúp Rap Việt trở thành chương trình có số lượt CCU cao nhất thế giới". Thông tin này cũng nhanh chóng lan truyền trên truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng thông tin nói trên là "chưa hoàn toàn chính xác", thì ban tổ chức đã lập tức "đính chính". Nhưng cho dù có đính chính thì cũng không thể phủ nhận một thực tế, đó là "tâm lý kỷ lục" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người làm văn hóa, nhất là những người mang nặng yếu tố thị trường vào lĩnh vực văn hóa. Trong quá khứ, chúng ta cũng đã từng bắt gặp khá nhiều "kỷ lục" được xác lập tại một số "sự kiện văn hóa" – trong đó có những "kỷ lục" được tuyên bố "mang tầm cỡ thế giới". Nhưng sau đó không lâu, những "kỷ lục" ấy đều rơi vào quên lãng. Có chăng, người ta sẽ chỉ nhớ đến như một biểu hiện của sự học đòi, quê kệch!

Âm nhạc luôn có sức sống nội tại lâu bền, nếu như quả thực đó là thứ âm nhạc đi vào lòng người, khơi gợi được những cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ. Nhạc cổ điển với hơn 200 năm tồn tại, hay gần đây ở Việt Nam là những sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Phú Quang… đã cho thấy điều đó. Bên cạnh đó là khá nhiều "bản hit" với số lượng thống kê trên mạng có tới hàng chục, hàng trăm triệu lượt view, like, nhưng chỉ "bùng lên" trong giây lát, rồi sau đó chẳng ai còn nhớ tới.

Mới thấy, những "kỷ lục" trong nghệ thuật nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì!

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lai-la-tam-ly-ky-luc-20201118111104054.htm