Lại đề xuất tăng phí BOT: Cần rà soát, có lộ trình...

VARSI lấy lý do về các điều khoản quy định trong hợp đồng để kiến nghị tăng phí BOT. Tuy nhiên, điều này đang vấp phải nhiều nghi ngại.

Ngày 2/11, lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho hay, đơn vị này đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tăng phí BOT theo lộ trình tại nhiều dự án.

"Việc chưa được tăng phí theo lộ trình thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký", văn bản của VARSI nêu.

Trước đề xuất tăng phí BOT, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hiện nay ngành vận tải đang gặp nhiều khó khăn. Nếu tăng phí BOT chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận tải, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Quyền, hiện chi phí sử dụng đường bộ trong giá thành vận tải ở mức rất cao, với các đơn vị làm vận tải đường dài, chi phí này chiếm trung bình tới 15 - 20% chi phí kinh doanh vận tải, chỉ sau chi phí xăng dầu.

“Tăng phí BOT sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong nước, tác động liên đới đến toàn xã hội”, ông Quyền phân tích.

Nhiều dự án BOT muốn được tăng phí.

Nhiều dự án BOT muốn được tăng phí.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích, ông Quyền đề xuất trường hợp tăng phí cần rà soát lại tất cả trạm thu phí BOT. Trong đó, các dự án có thời hạn thu phí hoàn vốn ngắn (khoảng 7-12 năm) không tăng phí, chấp thuận kéo dài thời gian thu phí.

Cạnh đó, không tăng phí đối với các dự án có mức thu phí cao, dù trong kế hoạch có lộ trình tăng phí. Nhà nước chỉ xem xét điều chỉnh đối với các trạm có thời gian hoàn vốn dài, khoảng 20 năm.

“Đặc biệt, cần xem xét thật kỹ thời điểm tăng, không nên tăng đồng loạt sẽ gây phản ứng của người dân và khó khăn cho DN vận tải trong tình cảnh hiện nay…” - ông Quyền nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Quyền cũng đề xuất Nhà nước cần rà soát lại các dự án mà trước đây không tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Đặc biệt, các công trình dư luận còn băn khoăn về mức thu và thời gian thu để có điều chỉnh phù hợp.

Thực tế kết quả kiểm toán 11 dự án BOT năm 2019 theo công bố của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Bộ GTVT cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT;

Phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án; không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai tăng tổng mức đầu tư;

Thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu (như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1); công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư cũng chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Đáng chú ý ở một số dự án BOT, việc góp vốn chủ sở hữu diễn ra chậm, xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý;

Chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Chính phủ; sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án; lập thiết kế - dự toán còn sai sót; tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chậm phê duyệt quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT.

TS Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế), việc tăng hoặc giảm hoặc thu phí BOT không thể tự tiện đề nghị là được. Cần căn cứ vào các cơ sở pháp lý đồng thời phải được giải trình minh bạch. Tuyến nào, địa điểm nào, mức hợp đồng là bao nhiêu và tại sao lại nâng. Tất cả phải được công khai và đánh giá đúng.

Doanh nghiệp dự án BOT không như các doanh nghiệp khác vì nếu doanh nghiệp không hoạt động thì tài sản vẫn còn, chỉ khó khăn là do việc thực hiện phương án trả ngân hàng.

Do đó, các nhà đầu tư BOT cần phải bình tĩnh và đề nghị ngân hàng hỗ trợ việc khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian thu phí… Vì dự án khi đầu tư rất lớn nhưng khi bán thì giá có thể rất thấp nên ngân hàng và chủ đầu tư cũng không thể bán.

Trong năm 2020, Bộ GTVT cũng đã có 2 lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19.

Theo Bộ GTVT, doanh thu các dự án BOT đang khá thấp. 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.

Trước đề xuất của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên và trả lời cho người dân được rõ.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lai-de-xuat-tang-phi-bot-can-ra-soat-co-lo-trinh-3421804/