Lại đề xuất tăng phí BOT: Cần lý do xác đáng....

ĐBQH Hồ Thanh Bình cho rằng nguyên nhân chính mà VARSI đề xuất tăng phí BOT là sức ép dòng tiền vay ngân hàng.

Ngày 3/11/2020, trao đổi với Đất Việt trước việc Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tăng phí BOT tại nhiều dự án vì cam kết trong hợp đồng, ĐBQH Hồ Thanh Bình (Đoàn An Giang) cho rằng, phí BOT đã được định giá theo quy định giá cả của Bộ Tài chính. Nếu có thay đổi gì liên quan đến giá cả phải đảm bảo tuân thủ của quy định hiện hành của luật.

Bên cạnh đó, việc thay đổi phí BOT thì bên đề xuất phải đưa ra được lý do chính đáng. Bởi vì trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ai hay đơn vị nào cũng bị ảnh hưởng nên không thể dựa vào điều này để đề xuất tăng phí.

"Đó là 2 vấn đề mấu chốt để xem xét đề nghị tăng phí BOT của VARSI. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa cần phải xem xét là tình huống đặc biệt liên quan như vốn vay, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để xin ý kiến đặc biệt của các cấp có liên quan từ đó mới đưa ra quyết định cuối cùng" - ĐBQH Hồ Thành Bình nêu ý kiến.

Trước thông tin cho rằng, VARSI căn cứ vào những quy định hợp đồng đề đề xuất tăng phí, hay việc triển khai thu phí không dừng, sửa chữa đường BOT hư hỏng trước khi muốn tăng phí, ông Bình cho rằng đó không phải là vấn đề mấu chốt.

Đâu là lý do thật đề VARSI đề xuất tăng phí BOT?

Đâu là lý do thật đề VARSI đề xuất tăng phí BOT?

Vị ĐBQH cho hay, điểm mấu chốt ở đây chính là dòng tiền. Khi mà các nhà đầu tư BOT làm dự án đều không có nhiều vốn mà phải đi vay ngân hàng, trước sức ép của lãi vay ngân hàng buộc các nhà đầu tư phải kiến nghị tăng phí.

"Nhà đầu tư phải đưa ra được khó khăn mấu chốt này để Chính phủ cùng tìm cách tháo gỡ. Chứ không phải vì lợi ích của các nhà đầu tư BOT mà làm ảnh hưởng tới người dân và các doanh nghiệp khác.

Tôi thấy rằng, việc tăng phí BOT trong thời điểm này là không hợp lý, kể cả đó là những điều khoản đã quy định trong hợp đồng mà nhà đầu tư BOT đã ký với Bộ GTVT mà cần tìm hướng tháo gỡ khác, như việc kiến nghị các ngân hàng cho vay làm dự án BOT hỗ trợ về khoản lãi vay cho các nhà đầu tư" - ông Bình bày tỏ.

Theo ĐBQH Hồ Thanh Bình, trước đây Bộ GTVT đã từng có nhiều lần đề xuất tăng phí BOT và vấp phải sự phản ứng trái chiều từ dư luận. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên và trả lời cho người dân được rõ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Bình cũng chưa nắm được thông tin về bản nghiên cứu, đánh giá tác động của việc tăng phí BOT từ Bộ GTVT.

Ông Bình cũng cho rằng, vấn đề phí BOT nếu chỉ giao cho Bộ GTVT nghiên cứu thì sẽ rất khó có thể giải quyết mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành khác nhau.

Dựa trên những điều khoản hợp đồng BOT đã ký và khó khăn thật sự của doanh nghiệp đầu tư BOT để đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cũng nêu ý kiến về đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT vào đầu năm 2020. Ông Sơn bày tỏ, đây là một chủ trương lớn và chắc chắn là phải có đề án về lộ trình cụ thể, chứ không phải cứ xin tăng là chấp thuật cho tăng ngay được.

Trong đề án đó bắt buộc phải có phần quan trọng là đánh giá sự tác động của việc tăng phí liên quan đến các mặt của đời sống xã hội, kinh tế như thế nào.

Một phần nữa là Bộ GTVT cũng cần dẫn chứng được rằng việc tăng phí BOT được dựa trên cơ sở, quy định như thế nào. Như thế mới thuyết phục được người dân hay Chính phủ.

Theo ông Sơn, điều căn bản nhất để chấp nhận tăng phí BOT là cần phải minh bạch thu - chi tại các trạm. Mà muốn minh bạch được điều này thì trước hết cần phải triển khai được việc công tác thu phí không dừng ở tất cả các trạm.

"Việc triển khai được thu phí không dừng sẽ minh bạch chuyên mỗi trạm thu được bao nhiêu trong ngày, trong năm. Điều đó cũng thể hiện số lượng xe qua trạm thế nào, trạm nào nhiều xe tải, xe khách đi qua hơn... để từ đó có cơ sở tính phí tại trạm đó cho các nhà đầu tư hoàn vốn" - ông Sơn nói.

Vị ĐBQH một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, trước khi đề xuất tăng phí thì Bộ GTVT cần phải thực hiện cho được công tác thu phí không dừng tại các trạm BOT đi đã. Từ đó mới có số liệu, cơ sở chính xác đề làm đề án gửi Chính phủ về đề xuất tăng phí.

Còn nếu như thực hiện quá nhiều vấn đề cũng một lúc sợ không giải quyết dứt điểm được vấn nào mà còn phát sinh thêm nhiều hậu quả mới, kéo theo tình trạng càng trở len phức tạp, rối ren hơn".

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lai-de-xuat-tang-phi-bot-can-ly-do-xac-dang-3421874/