Lại Đây đủ đầy

Lại Đây Refill Station là một mô hình kinh doanh gửi gắm thông điệp sống đẹp vì môi trường.

Tại Đây Refill Station nghe như một lời mời gọi. Nhưng thật ra đây là tên của một dự án do hai cô gái trẻ Nguyễn Dạ Quyên và Tống Khánh Linh sáng lập. Cả hai đều cùng ấp ủ ý nguyện kiến tạo một không gian riêng biệt, nơi quảng bá, bày bán những món hàng xinh xinh, dễ thương nhưng lại rất cần thiết cho đời sống thường nhật. Quan trọng hơn, Lại Đây Refill Station thực sự là trạm dừng chân cho những ai quan tâm đến lối sống xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Hiện tại, Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về thải nhựa vào đại dương. Bằng thói quen chỉ sử dụng một lần, Trái đất đang đứng trước thảm họa rác nhựa. Theo báo cáo của Liên hiệp Quốc, mỗi phút, thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, còn mỗi năm có tới 5.000 tỉ túi nhựa dùng một lần được vứt ra môi trường.

Nhưng chỉ 9% trong số này được tái chế, 12% bị tiêu hủy, còn lại vẫn nằm đâu đó trong các bãi rác hoặc thải ra môi trường. Những nhà sáng lập Lại Đây Refill Station mong muốn góp phần nhỏ bé giảm rác thải nhựa và các chất liệu khó phân hủy bằng giải pháp bán hàng mới, thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày của mỗi người.

Lại Đây có gì?

Lại Đây Refill Station có gần như đầy đủ các vật phẩm cần cho một người, một gia đình. Từ những sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa, cá nhân như dầu gội, xà bông, phấn dưỡng da, kem chống nắng, nước rửa chén, nước xả, nước giặt... đến các vật dụng như bàn chải, khăn tắm, tăm bông, ống hút, túi lọc trà... và cả đồ dùng cho đi chợ, đi chơi, đi học, đi làm, đi ăn uống, đi tập gym, đi du lịch, công tác... Tính ra, Lại Đây Refill Station hiện có hơn 200 sản phẩm bày bán.

Điểm thú vị là các mặt hàng này chủ yếu là hàng thủ công, làm từ những vật liệu đơn sơ, có trong tự nhiên, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường như mây tre, vải, thủy tinh, thiếc, đá... Mặc dù vẫn chưa triệt để loại bỏ hết được các thành phần như nhựa, giấy... trong một số sản phẩm nhưng như chị Nguyễn Dạ Quyên khẳng định, các sản phẩm ở Lại Đây Refill Station sẽ sử dụng thấp nhất những chất liệu này.

Hiện tại, hơn 50 đối tác tham gia sản xuất cho Lại Đây Refill Station như Nâu Nâu, Green Garden... đều cam kết về nguồn gốc nguyên liệu, về sử dụng các thành phần tự nhiên, tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường, có tính bền vững. 25% hàng hóa tại đây vẫn phải nhập khẩu từ các nước Mỹ, Đức, Thái Lan... vì chưa tìm được nguồn hàng phù hợp trong nước thay thế. Nhưng chị Dạ Quyên cho biết, Lại Đây Refill Station vẫn ưu tiên tính địa phương, để ủng hộ hàng nội địa và cũng bởi đây là cách góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thông qua cắt giảm chi phí logistics.

Nguồn ảnh: Ngọc Ngân

“Sản phẩm phải đẹp mới thu hút, hấp dẫn”, Nguyễn Dạ Quyên nhấn mạnh. Trong quan điểm của Lại Đây Refill Station, để khuyến khích, kêu gọi mọi người hướng về lối sống xanh, tối giản thì tính thẩm mỹ là rất quan trọng. Người ta sẽ thấy rằng, cái đẹp vẫn hiện diện cả trong lối sống xanh, đơn sơ, tối giản. Nhưng đây sẽ là cái đẹp không đòi hỏi hoàn hảo. Bởi vì, mỗi sự việc, sự vật đều là vô thường, bất toàn.

Thông điệp sống xanh

Lại Đây Refill Station đã ra đời chỉ sau 12 tuần chuẩn bị. 27.10 là ngày đầu tiên cửa hàng đi vào hoạt động. Nhưng ở thời điểm chưa khai trương, nhiều du khách tìm đến với Lại Đây Refill Station. Họ tò mò vì những sản phẩm có giá trị lưu niệm cao nhưng hơn hết, họ thích cách mà cửa hàng truyền cảm hứng cho người mua.

Đến với Lại Đây Refill Station, người mua có thể chiết, đổ đầy hoặc cân đong vừa đủ lượng cần dùng vào các bình, chai, lọ, túi, giỏ riêng. Đây là cách thức đi chợ kiểu mới, giúp tiết kiệm một khoản tiền cho bao bì và giúp giảm ngay lượng rác thải, rác nhựa trong tiêu dùng cá nhân.

Ở đây còn chia sẻ những dịch vụ theo mô hình 5R (Reduce, Reuse, Recycle, Repair, Refuse). Chẳng hạn, dịch vụ sửa chữa (Repair), tái chế (Recycle) những món đồ để tăng thêm vòng đời hoặc làm mới. Hay dịch vụ, giải pháp cho văn phòng, không gian hay các sự kiện, bữa tiệc gia đình... nhằm giảm (Reduce), từ chối (Refuse) bớt lượng vật phẩm không cần thiết và lượng chất thải tạo ra.

Đây là bước tập dần lối sống vô thường, tối giản, cân bằng lành mạnh nhờ thói quen biết chấp nhận vừa đủ. Từ đây, mỗi người sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc khi biết đủ và có nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống.

Chị Quyên cho biết, vì là doanh nghiệp nên Lại Đây Refill Station sẽ có mục tiêu lợi nhuận. Nhưng Lại Đây Refill Station sẽ tìm kiếm lợi nhuận trong sự hài hòa lợi ích và kinh doanh có trách nhiệm. Lại Đây Refill Station đã và sẽ tổ chức các phiên chợ mua đồ cũ; giới thiệu cẩm nang du lịch bền vững để khuyến khích khách sạn “xanh” hơn; chia sẻ thông tin bảo vệ môi trường qua 30 tập “Chuyện của Ni-lông”, giới thiệu hoạt động Thử thách 30 ngày sống tối giản... Công ty cũng triển khai bán hàng đa kênh và khuyến khích khách đặt hàng trực tuyến.

“Nếu không thể là một phần của giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề, thì hãy đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”. Đó là quan niệm của những người sáng lập Lại Đây Refill Station. Họ lên ý tưởng, chọn dấn thân vào Lại Đây Refill Station sâu xa cũng là để giúp cộng đồng lan tỏa lối sống xanh.

Thủy Ngọc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/lai-day-du-day-3326708/