Lại đào trộm cổ vật ở Vườn Chuối

Ðào trộm cổ vật ở khu di chỉ 3 nghìn tuổi Vườn Chuối từng xảy ra chục năm trước, nay trở lại khiến di chỉ này càng thêm nguy cơ đe dọa phá vỡ tính toàn vẹn.

Một góc khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối Ảnh: KTÐT

Một góc khai quật khảo cổ học tại Vườn Chuối Ảnh: KTÐT

SỐ PHẬN MONG MANH

Ông Phạm Văn Hùng, nguyên Trưởng An ninh thôn Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội) và một số người dân phản ánh: Gần đây có một nhóm người lai vãng tới khu vực di chỉ Vườn Chuối. Trên dưới 20 hố kích thước khác nhau xuất hiện, có hố sâu tới 1m. “Tôi từng bắt giữ nhóm đào trộm cổ vật mấy năm trước, có người từ Thanh Hóa, hai đối tượng khác ở Hoài Đức và Quốc Oai”, ông Hùng nói. Lần này phát hiện, ông Hùng hô hoán nhưng nhóm đối tượng kịp thoát thân.

Hiện tượng đào trộm bắt đầu khoảng hai tháng nay, ông Hùng đoán sau khi thông tin về di chỉ này đưa rầm rộ trên truyền thông nên bọn trộm cổ vật chú ý. Nhóm đối tượng ngang nhiên đào sáng sớm hoặc sẩm tối, theo đánh giá của ông Hùng và họ phải thông thuộc địa hình. “Muốn vào khu vực này phải đi theo đường mòn. Ngày trước chỉ có cỏ mọc, nếu người lạ vào dân làng biết ngay, bây giờ chúng lợi dụng cây cối um tùm để vào đào trộm”, ông nói. Một trong những bất cập khi đối phó các nhóm trộm cổ vật là thường chỉ thu giữ tang vật, bắt giữ rồi không xử lý nghiêm khắc nên không có tính răn đe.

“Di chỉ khảo cổ học có số phận cực kỳ mong manh. Chỉ cần một hố bị đào trộm cũng có thể làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di tích, làm xáo trộn các tầng văn hóa cũng như các di vật trong lòng đất”.

PGS.TS. Tống Trung Tín phân tích

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (ĐH KHXH & NV Hà Nội), một trong những người đầu tiên khai quật di chỉ Vườn Chuối cho biết từ những năm 2008-2009 đã xuất hiện nạn đào trộm cổ vật ở đây. Những di tích có mộ Đông Sơn thường bị các nhóm trộm nhòm ngó. Họ thường dùng máy dò kim loại, dùng thuổng để đào lấy hiện vật kim loại-những loại dễ bán trên thị trường. GS. Dung khẳng định đây là việc làm phá hoại toàn bộ di chỉ khảo cổ, bởi các nhà khảo cổ sau này khi đào không tìm thấy bối cảnh di tích, di vật và khó có thể đưa ra phán đoán chính xác. “Di chỉ khảo cổ học có số phận cực kỳ mong manh. Chỉ cần một hố bị đào trộm cũng có thể làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di tích, làm xáo trộn các tầng văn hóa cũng như các di vật trong lòng đất”, PGS.TS. Tống Trung Tín phân tích.

CẦN SỚM VÀO CUỘC

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy từng gửi thư kêu cứu lên lãnh đạo thành phố trước nguy cơ bị phá hủy của di chỉ này. Sau lá đơn ấy, Hà Nội tích cực lấy ý kiến các nhà khoa học, bàn phương án cứu “ngôi nhà” của những cư dân đầu tiên của Hà Nội. Ý tưởng biến khu di chỉ này thành công viên văn hóa lịch sử cũng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái 2018. Tuy nhiên tới nay sau lá thư ấy gần một năm, di chỉ Vườn Chuối vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy hoại hàng ngày.

Hố đào trộm cổ vật tại khu di chỉ Vườn Chuối ở Hoài Ðức. Ảnh: Nguyên Khánh

Giá trị to lớn của di chỉ này không cần bàn cãi. PGS.TS Tống Trung Tín phân tích, di tích này chứng minh diễn trình hình thành nhà nước thời đại đồng thau rất sớm ở Hà Nội và Việt Nam, tương đương thời đại Hùng Vương. Trong khi các di chỉ khảo cổ ở Phú Thọ gần như không còn là bao, thì di chỉ Vườn Chuối may mắn hơn và rất hữu ích đóng góp cho nghiên cứu khảo cổ và khoa học về tiến trình hình thành, phát triển của cư dân Việt suốt chiều dài lịch sử. “Cần bảo vệ nghiêm ngặt và nghiên cứu nhanh chóng”, ông nói.

Một trong những thiệt thòi của di chỉ này là chưa được xếp hạng di tích, sau đó khu đất này lại trở thành đất dự án xây khu đô thị nên không được bảo vệ tới nơi tới chốn. Các đợt khai quật sau dễ phá hủy kết quả đợt khai quật trước, chưa kể nạn đào trộm cổ vật, nên PGS.TS. Bùi Văn Liêm đề xuất từ việc khảo sát, thăm dò khoa học tiến đến đề xuất vùng bảo tồn cho phù hợp, không thể để việc bảo tồn di chỉ khảo cổ cản trở sự phát triển kinh tế. Gần đây Hà Nội có văn bản đề nghị BQL dự án phối hợp chính quyền địa phương giữ nguyên trạng, có phương án bảo vệ trước tình trạng xảy ra các vụ đào trộm cổ vật. Được biết Hà Nội đang phê duyệt kinh phí để tiến hành thám sát, khai quật và hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích cho khu di chỉ 3 nghìn tuổi này.

“Các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan cần vào cuộc ngay, càng sớm càng tốt”, TS. Bùi Văn Liêm, Viện Phó Viện khảo cổ học nói. Ông cho biết sau khi chính mình tiếp nhận thông tin, cử cán bộ của Viện Khảo cổ xuống hiện trường, sau đó gửi văn bản tới Hà Nội, Bộ VHTTDL về di tích này. So với diện tích 19 nghìn m2, diện tích khai quật khảng 800m2 là cực nhỏ.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lai-dao-trom-co-vat-o-vuon-chuoi-1342361.tpo