Lãi đậm nên chậm xã hội hóa!

Còn chưa đến 1 năm để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn chưa gút được khung chương trình mà vẫn đang trong giai đoạn thực nghiệm, góp ý, điều chỉnh.

Bộ GD-ĐT xin Quốc hội và được Chính phủ đồng ý lùi thực hiện chương trình mới 1 năm so với kế hoạch ban đầu, dự kiến chương trình mới sẽ triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc THPT.

Sau khi công bố dự thảo chương trình của 20 môn học vào ngày 19-1, Bộ GD-ĐT đã cho thực nghiệm chương trình và công bố kết quả vào ngày 3-5. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết vẫn còn một số bài thực nghiệm tương đối khó, một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học...

Những ngày qua phụ huynh cả nước nháo nhào vì thiếu SGK, chủ yếu là SGK lớp 1 và nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do sự độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam - một đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nêu các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia biên soạn SGK. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh phụ huynh, giáo viên quyết định. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng nêu rõ Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng quốc gia thẩm định SGK; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, đến giờ, khung chương trình vẫn là dự thảo nên dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu Bộ GD-ĐT có cố tình chậm trễ để việc thực hiện một bộ sách của Bộ GD-ĐT được thuận lợi và các tổ chức khác không còn "cửa" để thực hiện bộ sách khác khi thời điểm áp dụng chương trình mới đã quá cận kề?

Để thực hiện một bộ SGK, không chỉ nguồn ngân sách của nhà nước chi trực tiếp cho Bộ GD-ĐT mà NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhuận rất lớn nếu tiếp tục độc quyền sách. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam, hoạt động xuất bản SGK chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với 72%, tương đương 621 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu SGK mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020, với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng/bộ.

Những con số trên cho thấy SGK là "món hàng" quá hấp dẫn. Liệu chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK có thực hiện được không hay NXB Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục độc quyền bộ SGK mới mà cả xã hội chờ đợi trong nhiều năm qua?

Gia Thùy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lai-dam-nen-cham-xa-hoi-hoa-20180823222441065.htm