Lại có đồng minh Mỹ muốn sở hữu hệ thống S-400 Nga

Lời đe dọa áp đặt trừng phạt lên quốc gia nào mua thiết bị quân sự Nga mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần đưa ra trong năm 2018 dường như thiếu sức răn đe.

Hệ thống S-400 Nga - Ảnh: RT

Hệ thống S-400 Nga - Ảnh: RT

Khi Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ả Rập Saudi cân nhắc chấp nhận chịu trừng phạt kinh tế để có được S-400, một đồng minh khác của Mỹ là Qatar cũng xem xét khả năng sở hữu hệ thống phòng không này.

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Sergei Lavrov đầu tuần qua, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani xác nhận giữa hai bên có thảo luận vấn đề mua sắm thiết bị Nga, cụ thể là S-400.

Rất khó để xác định mức độ nghiêm túc của Doha vì họ vốn nổi tiếng “chỉ xem hàng chứ không mua”, tuy nhiên Đại sứ Qatar tại Moscow Fahad bin Mohammed Al-Attiyah từng tuyên bố các cuộc đàm phán đạt tiến bộ.

Quốc gia Trung Đông thời gian gần đây mua vũ khí hạng nhẹ cùng tên lửa chống Kornet từ Nga, mặc dù vậy giới chức Washington tin rằng đồng minh sẽ không sớm quyết định sở hữu thêm hệ thống phòng không tân tiến. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này theo dõi chặt chẽ tình hình đàm phán về S-400.

Giống như Ả Rập Saudi, Qatar đã trang bị hệ thống Patriot (mua năm 2014 với giá 2,4 tỉ USD). Thỏa thuận S-400 trong trường hợp được phía Doha xúc tiến sẽ khiến tình hình Vùng Vịnh thêm phức tạp đối với Lầu Năm Góc.

S-400 là hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất của Moscow, phóng được các loại tên lửa đánh chặn từ tầm ngắn đến tầm xa. Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ khẳng định tổ hợp phòng thủ này có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 400km, đủ sức phát hiện và bám bắt nhiều loại máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Phía Mỹ đặc biệt lo ngại tình trạng đồng minh lẫn đối tác quan trọng bị S-400 thu hút. Nhân dịp tham dự Hội nghị An ninh Munich tháng trước, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên để cho các đồng minh NATO (ý chỉ Thổ Nhĩ Kỳ) sắm vũ khí từ đối thủ. Phòng thủ phương Tây không thể đảm bảo nếu họ ngày càng phụ thuộc phương Đông”.

Chính quyền Washington vào giữa năm 2017 thông qua luật Chống lại những đối thủ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), cho phép nước này áp đặt trừng phạt đối với quốc gia hay doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng quy mô lớn với các công ty công nghiệp quốc phòng Nga.

Năm ngoái, Mỹ lần đầu tiên viện dẫn CAATSA trừng phạt một cơ quan trực thuộc quân đội Trung Quốc.

Tuy vậy, với những gì giới chức Qatar tuyên bố, dường như răn đe từ đe dọa trừng phạt vẫn chưa đủ lớn.

Cẩm Bình (theo Breaking Defense)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/lai-co-dong-minh-my-muon-so-huu-he-thong-s-400-nga-108374.html