Lại chuyện 'cũ người mới ta'

Năm 2019, triển lãm 'France eMotion – Chuyến du hành sôi động' tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội thu hút sự chú ý của khá đông công chúng và người trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt.

Triển lãm đưa người tham dự vào một chuyến du hành thú vị và đầy bất ngờ khi di chuyển theo một nhân vật hoạt hình qua 35 địa danh của nước Pháp, khám phá các di sản Pháp. Thành công của triển lãm khiến không ít khách tham quan giật mình và tiếc cho khối di sản đồ sộ đang được bảo quản tại hàng trăm bảo tàng trên cả nước hiện nay.

Tham quan bảo tàng ảo

Thực tế trên thế giới, câu chuyện phát huy ứng dụng công nghệ trong hoạt động mỹ thuật, phát huy giá trị qua hoạt động mỹ thuật không còn mới mẻ. Theo họa sĩ Vũ Huy Thông, Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ năm 1996, Web Gallery of Art đã được tạo dựng như một bảo tàng ảo và là một ngân hàng dữ liệu thông tin về mỹ thuật châu Âu từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ 19.

Khách truy cập được tăng cường trải nghiệm bởi các chuyến tham quan có hướng dẫn giúp tìm hiểu mối quan hệ giữa nghệ thuật và lịch sử, tác giả, tác phẩm của từng giai đoạn.

Tranh sơn mài “Thác Bờ” của cố họa sĩ Nguyễn Huyến, một trong số ít tác phẩm hội họa được đầu tư công nghệ, hấp dẫn sự chú ý của khán giả trong quá trình triển lãm trước khi lên sàn đấu giá.

Tranh sơn mài “Thác Bờ” của cố họa sĩ Nguyễn Huyến, một trong số ít tác phẩm hội họa được đầu tư công nghệ, hấp dẫn sự chú ý của khán giả trong quá trình triển lãm trước khi lên sàn đấu giá.

Trải nghiệm tham quan bảo tàng ảo còn được tăng cường tính năng giải trí bằng âm nhạc (tự chọn) và có cả dịch vụ cung cấp bưu ảnh miễn phí. Web đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách truy cập về từng địa danh với các thông tin về nghệ thuật, nghệ sĩ, lịch sử và hình ảnh minh họa. Trang web Artcyclopedia Artcyclopedia được tạo bởi John Malyon, người Canada, là một nguồn dữ liệu trực tuyến về mỹ thuật có chất lượng rất cao (chất lượng bảo tàng).

Trang này chỉ tập trung vào giới thiệu mỹ thuật, có chứa chỉ mục (Index) của 2.900 trang web nghệ thuật (từ các bảo tàng và gallery nghệ thuật), chứa các liên kết (links) với 180.000 tác phẩm nghệ thuật của khoảng 9.000 nghệ sĩ tên tuổi. Ngoài các công cụ tìm kiếm hữu hiệu theo tên nghệ sĩ, tên tác phẩm, chất liệu, chủ đề, giới tính, các trào lưu, chủ nghĩa, các thời kỳ nghệ thuật… người dùng có thể tìm kiếm danh sách các bảo tàng, gallery nghệ thuật theo các địa danh, tìm đọc các bài viết chuyên sâu về nghệ thuật của các chuyên gia, tin tức thời sự về nghệ thuật…

Tại Việt Nam, khi bàn về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Tiến sĩ (TS) Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng thành tựu của Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã làm thay đổi hầu hết các hoạt động của con người, trong đó có mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Sự kết hợp giữa công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu in nano... ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ so với hoạt động tương đương bằng phương pháp truyền thống. Công nghệ thực tại ảo, các hình thức nghệ thuật trên không gian số cũng sẽ làm thay đổi cách thức thưởng thức, tiêu dùng nghệ thuật của công chúng…

Trong công tác bảo quản, lưu giữ và phục hồi các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, có thể bảo quản chất liệu các tác phẩm mỹ thuật, tranh, ảnh bằng công nghệ nano. Về phục chế thì đã có công nghệ thiết kế mới, các phần mô phỏng khối ảo bằng AI hay công nghệ hình ảnh 3D.

Công nghệ ảo hóa, hiển thị hình ảnh 3D, 4D, 5D, công nghệ âm thanh (stereo, Dolby, High-Resolution Audio...) có thể mang một triển lãm đến tận người sử dụng. Công nghệ chia sẻ, kết nối các dữ liệu lớn có thể kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng và sử dụng dịch vụ đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm cho người sử dụng. Đây là xu hướng công nghệ nhưng rất thiết thực với con người.

Cũng theo TS Từ Mạnh Lương, hiện nay cả nước có 156 bảo tàng (124 bảo tàng công lập và 32 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật; 118 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đến nay, đã có 90/124 bảo tàng công lập được xếp hạng (14 bảo tàng hạng I; 61 bảo tàng hạng II; 15 bảo tàng hạng III).

Hệ thống bảo tàng đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tôn vinh bản sắc dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trở thành những điểm đến hấp dẫn trực tiếp góp phần phát triển du lịch.

Thực tế qua hơn 80 năm lịch sử mỹ thuật nước nhà (tạm tính từ khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương), nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng, bức ảnh để đời cần được tin học hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nó. Các dữ liệu này cần phải được xem là tài sản quốc gia vì bản sắc dân tộc cũng như tính xã hội hóa rất cao trong việc cung cấp giá trị văn hóa, tinh thần đến người Việt Nam và bạn bè quốc tế…

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nhà quản lý chuyên ngành, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, công nghệ. Nguồn chi ngân sách cho công tác này còn hạn hẹp… Để tháo gỡ các bất cập này, cần có giải pháp phù hợp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính. TS Từ Mạnh Lương chia sẻ.

Nan giải việc quản lý kho tàng di sản

Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng cho rằng, những năm qua, mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đến việc nghiên cứu phát hiện, quản lý những di sản mỹ thuật Việt Nam nhưng công tác quản lý kho tàng di sản này vẫn còn nhiều bất cập.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành mỹ thuật trên cơ sở số hóa các kết quả điều tra, khảo sát về kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam đang là yêu cầu bức thiết. Công tác bảo quản các di tích và hiện vật bảo tàng, nhất là các vật liệu hữu cơ, chưa được quan tâm thực hiện.

Do đó, nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều hiện vật, tài liệu trong đó có không ít những tác phẩm mỹ thuật có giá trị đã và đang bị tác động, bị hủy hoại trước những ảnh hưởng thường xuyên của các yếu tố khí hậu nhiệt đới, sự ô nhiễm môi trường cùng những tác động chủ quan của con người. Tình trạng vi phạm bản quyền trong mỹ thuật diễn ra khá phổ biến.

Ngay trong bảo tàng, việc làm phiên bản và nhân bản, việc tu sửa phục chế tác phẩm hoàn toàn không hề có hồ sơ khoa học để theo dõi. Việc làm bản sao được tiến hành rất tùy tiện, không tuân theo những quy định cụ thể nào, chỉ đơn giản là sao chép đúng với bản mẫu.

Do đó, hầu hết các tác phẩm được phiên bản, trong đó có không ít tác phẩm hội họa, được sao chép, được nhân bản bởi chính tác giả hoặc bởi những người khác, là những tác phẩm sao y bản gốc (hoặc bản mẫu từ gốc) về bố cục, về màu sắc, về kích thước. Thậm chí có không ít bản sao còn được coi là không phải bản phiên.

Những năm qua, bên cạnh việc sử dụng và tận dụng những ưu việt của khoa học công nghệ trong sáng tác và phổ biến các tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng sử dụng hệ thống internet toàn cầu để “đạo tranh”, “đạo tượng” của các tác giả.

Hầu hết hoạt động mỹ thuật Việt hiện tại vẫn tổ chức theo phương thức trưng bày truyền thống.

Tình trạng sao chép tràn lan các tác phẩm hội họa của các họa sỹ có tên tuổi để bày bán trong các của hàng văn hóa phẩm và các gallery tại các đô thị đã và đang không chỉ là một trong những nỗi nhức nhối của ngành mỹ thuật mà còn trở thành vấn nạn chung về kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Để góp phần ngăn chặn và từng bước giải quyết tình trạng này, cần tăng cường việc sử dụng công nghệ hiện đại như mạng internet, công nghệ số quản lý tác giả - tác phẩm trong lĩnh vực mỹ thuật, đồng thời, đẩy mạnh phổ biến và theo dõi việc nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của hệ thống pháp luật về bản quyền, về di sản văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng.

Cũng theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, các hoạt động mỹ thuật Việt Nam cần tranh thủ những cơ hội thuận lợi để đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trên cơ sở tận dụng sự ưu việt của những công nghệ tiên tiến của nhân loại. Vì vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào việc xây dựng các sản phẩm đặc thù của ngành mỹ thuật Việt Nam.

Trong đó cần tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành mỹ thuật, bao gồm các bảo vật quốc gia, các sưu tập di sản mỹ thuật tại các bảo tàng trong và ngoài công lập; hệ thống các cơ sở đào tạo mỹ thuật, đội ngũ nghệ sĩ sáng tác.

Cần ứng dụng công nghệ trong xử lý, tu sửa bảo quản các tác phẩm mỹ thuật, kể cả tu sửa các bảo vật, di vật, tác phẩm chất liệu hữu cơ (tranh sơn dầu, tranh giấy, các sản phẩm thủ công truyền thống làm bằng gỗ), tu sửa tôn tạo các công trình kiến trúc nghệ thuật, các tác phẩm điêu khắc, tổ chức trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng…

Di sản Pháp đặc biệt hấp dẫn qua triển lãm “France eMotion – Chuyến du hành sôi động” tại Hà Nội.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành mỹ thuật trên cơ sở số hóa các kết quả điều tra, khảo sát về kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam cần được khai thác, phân loại như sau: Các di sản mỹ thuật đang được lưu giữ tại các bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật Chăm, cùng các bảo tàng nghệ thuật ngoài công lập như Bảo tàng Sĩ Tốt; các sưu tập mỹ thuật cổ đang được lưu giữ tại các bảo tàng công lập gồm các bảo tàng quốc gia, các bảo tàng chuyên ngành, chuyên đề, các bảo tàng thuộc các tỉnh thành phố cùng các bảo tàng ngoài công lập trong toàn quốc; các di vật mỹ thuật cổ là bảo vật quốc gia hoặc các động sản có giá trị đang được lưu giữ tại các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.

Trong hoạt động trưng bày, phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, các cơ quan chuyên môn phải đi đầu trong việc sử dụng công nghệ hiện đại để tổ chức trưng bày phát huy giá trị sao cho thực sự mới lạ, sinh động và hấp dẫn các đối tượng tham quan…

Tác phẩm mỹ thuật thể hiện bằng công nghệ

Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày, triển lãm tại các bảo tàng có nhiều thay đổi so với hình thức trưng bày truyền thống. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ hình thành nên xu hướng tham quan bảo tàng ảo qua internet.

Các tác phẩm mỹ thuật có thể được thể hiện bằng hình ảnh 3D, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.

Lưu trữ, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tính nghệ thuật trong các tác phẩm lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm là rất trừu tượng và được cảm thụ thông qua thị giác của con người. Do đó, chúng có thể được tin học hóa bằng thông tin đặc tả về tác phẩm và hình ảnh chất lượng cao, 3D, video 3D, 4D...

Minh Hải

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/lai-chuyen-cu-nguoi-moi-ta-558130/