Lai Châu: Từng bước khắc phục khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lai Châu được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả khích lệ. Tuy nhiên, tại nhiều xã vùng sâu vùng xa, giao thông chia cắt, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số những tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, lao động, giao thông rất khó để hoàn thành.

Người dân Phúc Than, một trong những xã đạt 16/19 tiêu chí được hỗ trợ cây giống miễn phí để trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc. Ảnh: Quý Trung.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh có 96 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có 24 xã đạt 19 tiêu chí; còn lại chủ yếu chỉ đạt từ 5 - 14 tiêu chí; bình quân chỉ đạt 12,78 tiêu chí/xã. Ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho biết, tỉnh được chia tách, thành lập từ năm 2004 nên xuất phát điểm rất thấp, điều kiện về tự nhiên - xã hội rất khó khăn, thu ngân sách ít, nguồn ngân sách dành cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Một trong những tiêu chí được đánh giá là khó đạt trong quá trình thực hiện xây dựng NTM là thu nhập của người dân.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia, thu nhập của người dân nông thôn giai đoạn 2013 - 2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, ở Lai Châu do tập quán sản xuất của người dân lạc hậu, diện tích đất canh tác của nhân dân ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, địa phương đã áp dụng khoa học - kỹ thuật đưa các mô hình vào sản xuất, chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, chỉ đạt từ 10 - 12 triệu đồng/người/năm.

Một tiêu chí khó có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn đó là tiêu chí môi trường. Hiện nay, tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi không được ngăn chặn và xử lý; hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước chưa đồng bộ và đầu tư đúng mức. Bà con dân tộc vẫn còn thường xuyên thả gia súc gầm sàn, chăn nuôi trong khu dân cư, vứt bừa rác thải… Do vậy tiêu chí môi trường phải vận động, kiên trì thuyết phục.

Tiêu chí hộ nghèo khi thực hiện cũng là bài toán khó bởi số hộ nghèo của toàn tỉnh vẫn còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tiêu chí về giao thông cũng hết sức khó khăn. Theo quy định, để được công nhận đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải đạt 80% số km đường giao thông được bê tông, cứng hóa. Thế nhưng các xã miền núi ở Lai Châu phần lớn địa hình là vùng đồi núi, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp còn hạn chế.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc với những tiêu chí khó đạt, theo ông Hà Văn Um, trước tiên cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo cơ chế cũng như vận động các doanh nghiệp vào hợp tác với người dân để sản xuất nông sản hàng hóa, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp như chè, quế, sơn tra, mắc ca để tăng thu nhập. Từ đó, đói nghèo giảm nhanh, ý thức người dân sẽ dần chuyển biến, vệ sinh môi trường sạch đẹp hơn, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Việt Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/lai-chau-tung-buoc-khac-phuc-kho-khan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-tintuc420634