Lai Châu: Nhiều hoạt động khoa giáo mang lại hiệu quả thiết thực

Vừa qua, tại Hội nghị giao ban công tác khoa giáo và công tác lý luận chính trị quý I/2019 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đã khẳng định hoạt động khoa giáo của tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển và giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.

Được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là của các đợn vị trong khối Khoa giáo, các hoạt động Khoa giáo đã có nhiều khởi sắc, phản ánh đúng nhịp thở của đời sống chính trị, xã hội. Công tác khoa giáo đã góp phần giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Trên thực tế, cũng như trong báo cáo Quý I/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cho thấy rõ điều đó. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, kế hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh. Các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ công tác khoa giáo của tỉnh. Thông qua việc phối hợp tham mưu chuẩn bị Văn kiện Đại hội của Đảng bộ tỉnh; chuẩn bị các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy; biên soạn các tài liệu nghiên cứu, tài liệu hỏi - đáp về các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề đạt được nhiều ý kiến thể hiện rõ các quan điển đúng đắn đối với các hoạt động của các ngành khoa giáo. Ban cũng đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các ngành, chuyên môn chuẩn bị hàng chục văn bản bao gồm nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình hành động, kế hoạch của ngành nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy. Các văn bản tham mưu đều bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đặc biệt đã đề xuất ý kiến với cấp ủy về một số nội dung do các ngành trong khối Khoa giáo trình lên Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo sát với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng năm, từng giai đoạn. Nổi bật trong số các hoạt động đó là:

Công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 134 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 88,74% kế hoạch, tăng 4 trường so với năm học 2017 - 2018. Kết thúc học kỳ I, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 368 trường; 5.777 lớp; 146.900 học sinh; cán bộ quản lý 1.068 người; giáo viên 9.468 người; cán bộ công chức phòng GD&ĐT 169 người (giảm 12 người). Tuyên truyền tư vấn việc làm cho 2.635 người, có 60 lao động đăng ký và làm thủ tục, đưa 18 người đi xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho 86 người; giải quyết cho 74 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; ngành Y tế tích cực ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào khám chữa bệnh, nhất là ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mạng lưới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được củng cố và mở rộng. đã có 78 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 108/108 trạm y tế có nhà trạm; duy trì việc luân chuyển, tăng cường cán bộ y tế tuyến trên về giúp tuyến dưới; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, hiện tại toàn tỉnh có 1.450 giường, khắc phục dần tình trạng quá tải bệnh viện; duy trì công tác giám sát dịch tễ, tăng cường giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, vùng biên giới, 108/108 xã, phường, thị trấn được duy trì tiêm chủng mở rộng. Thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 với 2.919/4.398 cơ sở, đã nhắc nhở 355 cơ sở không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật trong công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sức khỏe của người dân được đảm bảo.Chất lượng, cơ cấu dân số từng bước được nâng lên, duy trì mức sinh, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm.

Công tác bảo hiểm xã hội tiếp tục được tăng cường triển khai thực hiện. Quý I/2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 431.807 người; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,2% so với dân số toàn tỉnh. Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đến nay, có 67 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gồm 400 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 400 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với tổng số 6.087 thành viên tham gia; 370 địa chỉ tin cậy hoạt động tại cộng đồng dân cư; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trong các dịp lễ tết, đồng thời huy động các nguồn lực của cá nhân và xã hội để trao học bổng, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt, trẻ em gặp rủi ro, trẻ em nghèo nhân dịp tết Nguyên Đán năm 2019. Trong đó, thăm hỏi và tặng 3.750 suất quà với tổng số tiền 1.618 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 889 suất quà cho trẻ em ở 2 xã Tá Pạ, Tà Tổng của huyện Mường Tè; trao 48 xe đạp, 50 chiếc xe lăn, 569 chiếc áo ấm cho học sinh tiểu học, mầm non có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 260 triệu đồng.

Phong trào Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Có 123.678 người tập luyện thể thao thường xuyên, chiếm 26,75% dân số; 15.988 gia đình thể thao chiếm 17,88% tổng số gia đình; 310 câu lạc bộ và điểm tập luyện TDTT. Các thiết chế phục vụ hoạt động TDTT tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện có 105 nhà luyện tập TDTT, 228 sân bóng chuyền; 109 bàn bóng bàn; 146 sân cầu lông (đá cầu) ngoài trời; 16 sân tennis...

Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm và có bước phát triển mới; một số đề tài, dự án về khoa học, công nghệ được ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Nhờ đó, không chỉ tạo ra năng xuất lao động mà còn khắc phục và giảm thiểu các yếu tố tác động xấu đến môi trường từ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là ở nông thôn, góp phần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Nhìn chung, kết quả hoạt động của khối Khoa giáo trong tỉnh đã phản ảnh đúng đắn sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ tỉnh, đáp ứng với yêu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Tuy nhiên, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và thực tiễn khách quan, các hoạt động khoa giáo vẫn còn những điểm hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa phản ánh đúng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc duy trì tỷ lệ chuyên cần ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa đảm bảo; vẫn còn nạn tảo hôn chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông, làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em; tình trạng lớp học tạm, lớp ghép ở cấp mầm non còn nhiều; công tác tuyển sinh hiệu quả thấp; nhu cầu việc làm chưa gắn liền với nhu cầu đào tạo; lao động trên địa bàn tỉnh thiếu việc làm; cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho hoạt động thể dục - thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu; công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn hạn chế; chất lượng công tác bảo vệ môi trường một số vùng nông thôn chậm được cải thiện... Trong đó, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan là chủ yếu từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực khoa giáo ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các ngành trong khối khoa giáo có việc chưa hiệu quả; một số hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng tại một số chi bộ cơ sở chưa đảm nội dung, thời lượng, tiến độ. Mặt khác, nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số ngành về công tác khoa giáo còn hạn chế; chất lượng tham mưu một số văn bản còn thấp, chưa sát với thực tiễn; công tác phối hợp kiểm tra, khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chủ trương của Đảng về khoa giáo ở các cấp còn chưa thường xuyên; công tác phối hợp nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết các vấn đề vướng mắc này sinh chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, đúng mức. Những hạn chế đó đã ảnh hướng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ công tác khoa giáo của tỉnh.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy về vị trí, tầm quan trọng các hoạt động trên lĩnh vực khoa giáo. Ban Tuyên giáo phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy về hoạt động khoa giáo vào thực tiễn phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng địa phương và từng địa bàn dân cư; phối hợp giữa các cơ quan trong công tác kiểm tra, giám sát; duy trì tốt công tác phối hợp, kịp thời chỉ đạo và định hướng tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên các ngành trong khối khoa giáo. Qua đó, nắm bắt chặt chẽ tình hình của thực tiễn phản ảnh cho Tỉnh ủy và các ngành chức năng kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách hợp lý hơn.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, các cấp các ngành trong tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch số 136-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 137-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; tham mưu sơ kế 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới; tổ chức tốt các hoạt động biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); tích cực tuyên truyền công tác chuẩn bị kết thúc năm học và kỳ thi tốt nghiệp ở các cấp; phối hợp với cấp ủy, chính quyền ở địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành và đời sống Nhân dân…

Với sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ; sự phối hợp của các cấp các ngành và được sự ủng hộ hết mực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, chắc chắn công tác khoa giáo của tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo nên những điểm nhấn quan trọng, tạo đà phát triển bền vững trong thời gian tới..

BÍCH HẠNH

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/lai-chau-nhieu-hoat-dong-khoa-giao-mang-lai-hieu-qua-thiet-thuc-120520