Lai Châu: Người giữ hương vị rượu ngô truyền thống

Bà Hàng Thị Kẻ ở bản Sùng Chô (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) là người có gần 30 năm nấu rượu ngô truyền thống của dân tộc Mông.

Trong câu chuyện với bà Kẻ, chúng tôi được biết, từ nhỏ bà được chứng kiến bố mẹ nấu rượu ngô, đến khi lập gia đình bà lại được mẹ chồng truyền dạy và nấu rượu ngô truyền thống của người Mông là nghề chính của gia đình bà. Theo bà Kẻ, rượu ngô của người Mông ở Sùng Phài có từ khi khai sơn, lập bản và được truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ. Nguyên liệu để tạo nên hương vị rượu ngô của vùng đất này chính là ngô. Để nấu ra những giọt rượu ngô thơm, ngon mang hương vị đặc trưng thì phải có đủ các yếu tố gồm: ngô, men, nước và cái tâm của người nấu.

Bà Kẻ cho biết: Ngô dùng để nấu rượu thường là loại ngô tẻ, giống địa phương, thường có màu vàng ruộm, trước đây được bà con trồng trên nương và năng suất không cao, nhưng ngô có độ thơm, bùi và được bảo quản trên gác bếp. Tuy nhiên ngày nay, giống ngô ấy không còn nhiều và không phải gia đình nào cũng trồng được nên chủ yếu rượu được nấu bằng những hạt ngô lai, phần nào làm giảm bớt đi hương vị thơm ngon rượu ngô. Bên cạnh đó, men kê cũng là một trong những bí quyết riêng để tạo nên sự khác biệt giữa rượu ngô được nấu theo cách truyền thống với các loại rượu khác. Cây kê gieo trồng cũng giống cây lúa, nhưng thời gian sinh trưởng lâu hơn, sau khi gieo hạt và trồng hơn 4 tháng thì kê cho thu hoạch. Muốn làm được thành men kê cũng mất rất nhiều thời gian, công đoạn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỷ mỉ. Để rượu ngon, sau khi bắp ngô được tách thành hạt, đem nấu chín rồi đảo đều với một lượng men kê nhất định và ủ từ 10 - 15 ngày cho ngô và men kê thấm đều. Sau thời gian ủ, men được cho vào nồi bắt đầu công đoạn nấu rượu. Một mẻ nấu được 20 - 22 lít rượu, đặc biệt nếu ủ càng lâu và được nấu từ chõ làm bằng gỗ thì rượu còn có độ thơm, ngon hơn nhiều.

Bà Kẻ nấu rượu ngô.

Là người nấu rượu lâu năm nên bà Kẻ có thể phân biệt rượu ngô được nấu theo cách truyền thống của người Mông hay không, nếu đúng thì rượu thường có màu trắng trong, có mùi thơm của kê và ngô, không có mùi hắc hay khét, khi uống có cảm giác ngọt ngay đầu lưỡi, dù có uống nhiều, uống say cũng không bị đau đầu. Chính vì bí quyết đó, mà rượu của bà Kẻ nấu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài cung cấp trong tỉnh, nhiều khách hàng ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Định đặt mua với số lượng lớn. Do đó, trung bình mỗi năm bà Kẻ bán ra thị trường 2.000 lít rượu với giá 50 nghìn đồng/lít, vừa mang lại thu nhập thêm cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn nghề nấu rượu ngô truyền thống.
Bà Phạm Thị Hợp (phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) thường xuyên mua rượu ngô của nhà bà Kẻ tâm sự: “Rượu ngô nhà bà Kẻ nấu có vị thơm nồng, uống vào rất êm nên tôi thường mua về ngâm thuốc cho chồng, vừa đảm bảo sức khỏe mà không lo bị đau đầu hay chóng mặt. Ngoài ra, tôi cũng hay mua gửi về làm quà biếu cho người thân ở dưới quê mỗi dịp lễ, tết hay có đám hiếu, hỷ và được mọi người rất thích”.
Được biết, để giữ gìn cách nấu rượu ngô truyền thống, hiện nay bà Kẻ cũng đang truyền dạy bí quyết cho con dâu. Bà Kẻ bảo: “Bây giờ, tôi vẫn nấu rượu ngô bán cho khách hàng, nhưng tôi muốn truyền dạy lại cho con dâu sau này có người kế cận truyền thống của gia đình. Tôi cũng mong Đảng và Nhà nước có chính sách, quan tâm để rượu ngô truyền thống của người Mông được gìn giữ và phát huy, để các lớp người Mông sau sẽ nhớ và biết đến những truyền thống của dân tộc mình”.

Tường Lam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lai-chau-nguoi-giu-huong-vi-ruou-ngo-truyen-thong-76645