Lai Châu: Lưu giữ nét văn hóa truyền thống

Huyện Mường Tè, Lai Châu - nơi sinh sống của 10 dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng thể hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp, tích cực khôi phục, duy trì nét văn hóa truyền thống, góp phần tô điểm thêm nét đẹp vùng Tây Bắc.

Văn hóa truyền thống được thể hiện trong đời sống hàng ngày của người La Hủ (xã Bum Tở, huyện Mường Tè)

UBND huyện Mường Tè giao Phòng Văn hóa -Thông tin, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các xã, thị trấn xuống cơ sở gặp gỡ người dân tìm hiểu về các nét văn hóa, những tập tục cổ xưa đang dần mất đi để tìm cách khôi phục. Vận động bà con xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, trong các ngày hiếu, hỷ, tết, hội, không tổ chức chơi cờ bạc, uống rượu mà cùng nhau múa hát, tham gia chơi trò chơi dân gian vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa gắn tình đoàn kết.

Anh Tống Văn Kem - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: Những ngày xuống bản, chúng tôi không chỉ vận động, tuyên truyền mà còn quan sát nét văn hóa diễn ra trong đời sống hàng ngày, gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín tìm hiểu phong tục tập quán rồi tham mưu UBND huyện tìm cách khôi phục. Cán bộ của phòng còn vận động người dân mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt, sản xuất, tránh xa tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy”.

Hiểu rõ giá trị của văn hóa, các mặt trái của xã hội được người dân xóa bỏ mà thay vào đó là lễ hội truyền thống được quan tâm nhiều hơn như: lễ cúng rừng, cúng bản, tết của người Hà Nhì, người La Hủ, Tết ngô của người Cống, tết mùa mưa... không chỉ có lợn, gà, gạo, ngô để cúng gia tiên, trời đất, thần linh mà người dân còn thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa truyền thống, tổ chức thi trang phục, nấu ăn, thi đấu các trò chơi dân gian giữa các bản, tạo không khí sôi nổi trong những ngày lễ hội.

Chị Phùng Giò Xó (bản Phìn Khò, xã Bum Tở) tâm sự: Từ khi cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, người dân trong bản biết nhiều hơn về các nét văn hóa lâu đời để tìm cách giữ gìn, khôi phục, thanh niên trong bản thích mặc trang phục dân tộc, chơi các trò chơi dân gian hơn. Trong những ngày lễ hội của người La Hủ, nét truyền thống đó được tái hiện. Là người đứng đầu bản, tôi không chỉ vận động bà con giữ gìn bản sắc mà còn tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ để dân bản noi theo”.

Nét văn hóa còn được thể hiện trong ngày hội văn hóa các dân tộc và ngày hội văn hóa - thể thao vùng 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ. Trong ngày hội, không chỉ thể hiện bản sắc truyền thống mỗi dân tộc qua các phần thi: trang phục, điệu múa, lời hát, tập tục cổ xưa, trò chơi dân gian mà còn là nơi giúp bà con được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, sản xuất. Huyện quan tâm đến các nghệ nhân, giúp đỡ họ về mọi mặt trong cuộc sống để họ có cơ hội lưu giữ, truyền bá nét văn hóa tới cộng đồng. Nghệ nhân Hù Cố Xuân (bản Seo Hai, xã Kan Hồ) cho hay: Tôi thường xuyên tìm hiểu, lưu giữ văn hóa truyền thống của người Si La, từ trang phục, nhạc cụ, truyện thơ, chữ viết để bảo tồn và truyền dạy cho người dân trong bản hiểu biết về cội nguồn dân tộc mình. Đối với con cháu trong nhà, tôi khuyến khích tham gia đội văn nghệ của xã, bản để hiểu thêm về bản sắc văn hóa.

Trong các đơn vị trường học, các em học sinh mặc bộ áo truyền thống từ 2-3 buổi học/tuần. Mỗi giờ học ngoại khóa, các thầy, cô cho học sinh tìm hiểu nét truyền thống của dân tộc mình thông qua các tư liệu hình ảnh, thước phim, đọc thơ, hát bằng tiếng dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian để các em biết thêm về cội nguồn. 127 đội văn nghệ của bản, khu phố được thành lập, 87 nhà văn hóa được xây dựng để người dân sinh hoạt cộng đồng, thể hiện các điệu múa, làn điệu dân ca.

Không những vậy, huyện còn xây dựng không gian văn hóa của từng dân tộc xung quanh tuyến đường dọc bờ hồ tại trung tâm huyện. Không gian không chỉ thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc mà còn là điểm du lịch hấp dẫn để du khách thăm quan, chiêm ngưỡng. Huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp truyền dạy, lưu giữ chữ viết, truyện thơ, sách cổ của dân tộc Hà Nhì, Si La và sắp tới mở rộng ra nhiều dân tộc khác. Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống như: đan lát, dệt vải, rèn đúc được lưu giữ tô điểm thêm nét đẹp văn hóa.

Văn hóa truyền thống đang được giữ gìn và phát huy, đó là sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong huyện. Với sự quyết tâm đồng lòng, bản sắc văn hóa không chỉ xuất hiện trong các ngày lễ, hội mà sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc huyện Mường Tè.

Thái Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lai-chau-luu-giu-net-van-hoa-truyen-thong-82463