Lai Châu: Độc đáo nghi lê cấp sắc của người Dao Hoang Thèn

Lễ cấp sắc hay còn gọi là Lễ Tủ Cải, với dân tộc Dao, người đàn ông được coi là trưởng thành chỉ khi đã trải qua nghi lễ này. Tuy nhiên, với mỗi nhóm người Dao khác nhau lại có những sự khác nhau trong quá trình làm nghi lễ. Đồng bào dân tộc Dao tại xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng rất độc đáo, không kém phần.

Tuổi làm lễ Cấp sắc của người Dao nơi đây thông thường được chọn trong khoảng từ 10 tuổi trở lên, thời gian làm lễ sớm hay muộn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trước ngày tổ chức, gia chủ mang lễ đến nhờ thầy cúng xem sách, chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ và phải mời 5 - 6 thầy cúng trong đó có 4 thầy chính, mỗi thầy với quyền hạn khác nhau. Người được chọn làm thầy trong lễ phải là người đã được cấp sắc, nghĩa là được cộng đồng thừa nhận, đồng thời phải là người có uy tín, am tường lý lối, thông thạo chữ Dao cổ. Lễ Tủ cải của người đồng bào dân tộc Dao xã Hoang Thèn thường diễn ra 2 - 3 ngày đêm, ngoài ra còn có những đám to được làm 7 ngày 7 đêm. Trong các ngày làm lễ, bữa đầu tiên của ngày lễ mọi người được ăn mặn còn các ngày tiếp theo thầy cúng, người con trai được làm lễ (hay còn gọi là người thụ lễ), cùng với gia đình và những người giúp việc phải ăn chay, kiêng các đồ có mỡ động vật trừ cá, có thể ăn cá hấp, sấy, luộc hoặc nấu canh nhưng không được cho mỡ động vật. Người Dao quan niệm không có gì sạch bằng nước, mà cá sống dưới nước nên trong lễ cúng ngoài thịt lợn, gà, xôi, bánh thì bắt buộc phải có món cá.

Người Dao quan niệm, lễ cấp sắc còn có nghĩa là lễ “khai tên” hay lễ nhận tên âm, được thánh thần ban định chỉ dành cho nam giới; người đàn ông dân tộc Dao phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng và phẩm chất của họ được kiểm nghiệm qua lễ cấp sắc. Trong nghi lễ, vật dụng không thể thiếu là đèn với dụng ý soi cho đầu óc được thông thái, soi cho lòng dạ được thông minh và tẩy rửa các tội lỗi để người cấp sắc được trong sạch. Các điều răn dạy trong nghi lễ được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ với nội dung thể hiện trong đạo sắc, hướng con người tới cái thiện, sống có đạo đức, có nhân cách, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.

Phong tục tập quán, nghi lễ là yếu tố quan trọng phản ánh trình độ phát triển và qua thời gian những giá trị đó đã dần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng, thể hiện khát vọng về một cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc của người Dao nói riêng, các dân tộc nói chung, đóng góp quan trọng vào kho tàng bản sắc văn hóa của các dân tộc VN./.

Ngọc Hà - Đình Cầu |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lai-chau-doc-dao-nghi-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-hoang-then-60554