Lai Châu: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Thời gian qua, công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo động lực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Nét nổi bật trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên địa bàn tỉnh là giúp đồng bào dân tộc thiểu số thấy rõ, có trách nhiệm, hành động rõ ràng trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt; xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Toàn tỉnh đã sưu tầm, phục dựng, tổ chức 36 lễ hội dân gian, tiêu biểu như lễ hội: “Then Kin Pang” (xã Khổng Lào), “Nàng Han” (xã Mường So), “Gầu Tào” (xã Dào San) của huyện Phong Thổ; “Lùng Tùng” (xã Mường Cang) của huyện Than Uyên… Sưu tầm được 325 hiện vật các dân tộc thiểu số vùng biên giới; bảo tồn phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Hà Nhì Hoa tại huyện Mường Tè; hát then - đàn tính của dân tộc Thái ở huyện Than Uyên. Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc trên địa bàn huyện: Than Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ nhân dịp Quốc khánh 2/9. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Người dân tộc Mông bản Sắp Ngụa, xã Phúc Than (huyện Than Uyên) tập thổi khèn.

Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố, trên 46 vạn người, có 20 dân tộc, trong đó 85% dân tộc thiểu số sinh sống. Nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; phân công trách nhiệm trong cấp ủy phụ trách cụm xã, thị trấn, bản; bí thư, trưởng bản, đảng viên, thành viên tổ dân vận phụ trách hộ; già làng, trưởng dòng họ, người uy tín tuyên truyền đồng bào giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, bài trừ tập tục lạc hậu. Cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch lựa chọn một số tập tục lạc hậu để xóa bỏ, nhất là việc uống rượu nhiều, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, sinh đông con… Qua đó, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, tiến bộ.
Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, cân đối ngân sách đầu tư xây dựng hoàn thiện và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa bản; tăng cường tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân qua hệ thống phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, đưa thông tin về cơ sở, hoạt động văn hóa, thể thao. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cụ thể hóa chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Lựa chọn tổ chức phong trào quần chúng xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, đời sống. Đưa nội dung xóa bỏ tập tục lạc hậu vào quy ước của bản; coi việc thực hiện bỏ tập tục lạc hậu là tiêu chí quan trọng trong bình xét danh hiệu gia đình, bản văn hóa. Tổ chức cho các hộ ký cam kết quyết tâm bỏ một số tập tục lạc hậu trong sinh hoạt của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò tổ dân vận thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng vận động người thân bỏ một số tập tục lạc hậu.
Than Uyên là một trong những huyện điển hình quan tâm phát triển văn hóa, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch sân bãi nhu cầu tập luyện thể dục thể thao; khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống, xây dựng nếp sống mới trong vùng dân tộc Mông... Đến nay, toàn huyện có 130 đội văn nghệ, duy trì 2 câu lạc bộ đàn tính - hát then; khôi phục lễ hội: Lùng tùng, xòe chiêng, lễ cấp sắc dân tộc Dao, sên bản, sên mường; múa xòe, thổi khèn, nghề dệt thổ cẩm, đan lát. Tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Thái, chữ Mông. Đặc biệt, huyện tổ chức cho 22 bản thuộc 8 xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống triển khai ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông. Về đám hiếu, người chết được đưa vào quan tài và không để quá 2 ngày; việc hỷ không thách cưới và tổ chức trọn 1 ngày.
Đồng chí Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: “Huyện có 12 xã, thị trấn, 10 dân tộc sinh sống. Thời gian qua, Than Uyên tích cực tuyên truyền Nhân dân duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; trong đó, vận động nghệ nhân truyền dạy tiếng dân tộc, làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Duy trì, tổ chức các lễ hội, văn hóa truyền thống của dân tộc như: văn hóa ẩm thực, trang phục, môn thể thao dân tộc. Từ đó, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc”.
Công tác dân vận trong phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn an ninh trật tự.

Uyên Linh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lai-chau-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-76732