Lai Châu: Ai 'chỉ đạo' đẩy hàng trăm cán bộ y tế ra 'đứng đường' ?

Sau khi lên làm chức Giám đốc Sở Y tế được một thời gian, ông Nguyễn Văn Đối đã tiến hành 'chấm dứt' hợp đồng lao động với 137 cán bộ viên chức ngành Y tế trên khắp tỉnh Lai Châu kể từ ngày 01/4 tới đây.

Liệu rằng việc Sở Y tế có quyền sa thả những cán bộ đã đóng góp gần 10 năm với ngành Y tế hay không? việc tùy tiện sa thải những người lao động này có đúng các quy định của Bộ Luật lao động hay không thì cần phải sớm được làm rõ.

Đặc biệt việc xuất hiện những cán bộ trẻ, lạ được tuyển dụng “khéo léo” tiếp tục vào thế chân. Chưa kể hàng loạt các tố cáo khác về việc ăn chặn tiền hỗ trợ khám chữa bệnh đã lâu, nhưng chưa được giải đáp. Ai “chỉ đạo” việc làm nhẫn tâm này với người lao động?

Trụ sở Sở Y tế

Nước mắt và tuổi xuân

Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ ngành Y tế là chị Đinh Thị Thương Huế, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hải Hà, Nguyễn Thanh Nghị, Bùi Thị Phương, Ma Đình Tuyến trong nhóm 137 cán bộ ngành Y tế ngang nhiên bị đẩy ra đứng đường, bức xúc cho biết: Nếu biết được sự nghiệt ngã của ngành Y này, thì 7, 8 năm qua, mọi người sẽ không bao giờ vào ngành Y mà cống hiến và lao động vất vả để rồi nhận lấy đắng cay như ngày hôm nay.

Những cán bộ y tế dũng cảm kiến nghị lại quyết định của Sở Y tế.

Chị Huế, công tác tại Trung tâm y tế dự phòng TP Lai Châu cho biết: Ngày 23/3/2012, chị may mắn được tuyển dụng vào ngành Y tế theo Quyết định số 724/QĐ-SYT thời gian từ ngày 01/4/2012.

Từ Quyết định này, ngày 01/4/2012, Trung tâm y tế dự phòng thị xã Lai Châu tiến hành ký hợp đồng lao động do ông Phạm Đức Lợi làm Giám đốc đã ký hợp đồng không xác định thời hạn với y sỹ đa khoa Đinh Thị Thương Huế. Và kể từ đây chị Huế đã cống hiến sức lao động cho trung tâm y tế suốt 7 năm qua.

Đến ngày 16/3 vừa qua, chị Huế cũng như 136 người khác được tuyển dụng trong một số giai đoạn của tỉnh Lai Châu đều lần lượt trong diện “thanh lý” nhằm đẩy ra đường, khiến mọi người vô cùng phẫn nộ.

Chị Huế khẳng định: Việc chị ký hợp đồng lao động này là theo Luật Lao động, nếu bây giờ muốn “sa thải” chị thì phải theo đúng quy định của Luật Lao động chứ không phải thích là “đuổi”, thậm chí kể cả phải khởi kiện người đứng đầu, đại diện tỉnh Lai Châu ra tòa, chị cũng sẵn sàng…

Cũng trong cùng tâm trạng, anh Tuyến, anh Nghị, chị Thương… đều bức xúc vì việc làm trái các quy định về Luật Lao động của Sở Y tế Lai Châu. Anh Tuyến - một cán bộ y tế huyện Nậm Nhùn bức xúc cho biết: Năm 2011, anh được tuyển dụng vào công tác ở trung tâm y tế thị xã một thời gian.

Đến khi tách huyện Nậm Nhùn, anh xung phong đi lên huyện mới, vùng sâu, vùng xa để làm. Những tưởng cả đời gắn bó với ngành Y, nào ngờ sau 7 năm lao động, anh bị tống ra đường một cách không thương tiếc, thiếu tình người và vô trách nhiệm của một số vị cán bộ đứng đầu ở địa phương…

Qua điều tra, phóng viên được biết không chỉ có 1 số trường hợp dám làm đơn tố cáo những sai phạm và tiêu cực ở ngành Y tế Lai Châu như chị Huế, anh Tuyến, anh Nghị, chị Thương… Mà hơn 100 cán bộ ngành Y đều phẫn nộ và cay đắng.

Trong công tác, họ nhiệt tình lao động, chịu khó, không hề vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn gì… họ chỉ là những viên chức trong đơn vị hành chính sự nghiệp, vậy hà cớ gì phải sa thải họ.

Và điều lạ, trong Quyết định số 154/SYT-TCCB hòng “đẩy” người lao động ra đường do Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu ký, không hề thấy dòng nào ghi “bồi hoàn” cho người lao động… thì không hiểu Sở Y tế Lai Châu áp dụng “luật nào” trong vấn đề này…

Thoái thác trách nhiệm

Đứng trước nguy cơ mất việc làm của hàng trăm người lao động ngành Y, phóng viên Báo Xây dựng đã đến đăng ký làm việc với lãnh đạo Sở Y tế để làm rõ một số nội dung như: Sở Y tế áp dụng luật nào trong việc sa thải người lao động, việc chấm dứt hợp đồng lao động có bồi hoàn gì cho người lao động không… đặc biệt, tại sao với lý do là “tinh giản biên chế”, tại sao vẫn có nhiều người mới được tuyển dụng, nhằm thay vị trí của những người cũ, có nhiều khuất tất ở đây.

Bà Nguyễn Thị Mai - Phụ trách văn phòng Sở Y tế.

Sau nghe phóng viên đề cập đến một số nội dung làm việc trên, bà Nguyễn Thị Mai - Phụ trách văn phòng của Sở Y tế Lai Châu ghi nhận và đi xin ý kiến của ông Nguyễn Văn Đối về những đề nghị cung cấp thông tin nói trên.

Tuy nhiên, sau khi đi xin ý kiến của Giám đốc về, bà Mai cho biết: Hiện tại, Giám đốc chưa trả lời việc này, cần thông tin gì thì cứ về làm văn bản gửi lại. Sở sẽ trả lời và liên lạc lại sau… sau đó cũng không thấy Sở Y tế Lai Châu liên lạc lại nữa…

Tiếp tục điều tra, phóng viên được một số cán bộ ở Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: Không chỉ có những khuất tất trong việc muốn đẩy người lao động ra đường, lãnh đạo ngành Y tế còn có dấu hiệu “biển thủ” tiền hỗ trợ cho cán bộ y bác sỹ lấy từ nguồn bảo hiểm xã hội chi ra. Bản thân người cán bộ này đã nhiều lần gửi đơn tố cáo lên UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Y tế… nhưng chưa có “hồi âm”…

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, làm rõ trách nhiệm tại Sở Y tế Lai Châu, cũng nhưng thanh tra toàn bộ lại việc chi trả hỗ trợ y – bác sỹ trong công tác khám chữa bệnh lấy nguồn tiền từ bảo hiểm. Số tiền đó có đến tay tập thể y – bác sỹ hay không, hay lại bị “ăn chặn” ngay từ kho bạc. Phải minh bạch mọi chuyện trước khi quá muộn…

Đức Hải – Đà Giang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/lai-chau-ai-chi-dao-day-hang-tram-can-bo-y-te-ra-dung-duong.html