Lại bàn chuyện xe máy

Có ngồi xe buýt mới thấy cánh tài xế loại xe này thần kinh thép. Hỗn loạn kinh hoàng bên trái bên phải và ngay trước mũi xe. Khoảng trống để an tâm không khi nào được mươi mét.

Một cuộc vật lộn theo nghĩa đen với đường sá chứ làm gì có chuyện thả tay nhẹ nhàng trên vô-lăng, thung dung thơ thới. Công việc gần giống khổ sai, ngày nào cũng như ngày nào.

Ảnh minh họa

Có một nghịch lý mà đoan chắc các quan chức quản lý Sài Gòn chưa biết. Tôi không nói quan đường bộ, quan giao thông vận tải, tôi muốn nói quan cao cao hơn. Nghịch lý ấy là xe buýt giãn giờ và trống khách. Các vị ấy có phải nhảy xe buýt bao giờ đâu mà biết. Như tuyến Thanh Đa - Bến Thành chỗ tôi, mấy năm trước còn 10 phút mỗi chuyến, nay đã giãn ra 20 phút mỗi chuyến. Nghĩa là xe ế khách, nhà xe giữ như cũ, xe không đủ sở phí. Nghĩa là xe máy đã nhiều lên. Ở các tuyến khác cũng vậy, xe hai cửa rất khang trang rất đẹp, cũng ế sưng. Cánh nhà xe đồng thanh đòi giãn chuyến, đòi bỏ nghề, đòi dẹp. Đô thị mà người dân lạnh nhạt với phương tiện công cộng để mặn mà với phương tiện cá nhân thì có phải thành phố ấy đang tiến lên hay đang thụt lùi?

Nhìn vào người đi đường bây giờ để thấy mới 10 năm mà giao thông hỗn độn ra sao. Phong phú các loại các cỡ xe máy. Không nhiều cảnh đèo nhau hai người một chiếc xe như 20 năm trước nữa. Thực sự nó là phương tiện của cá nhân, của từng người, miễn ý kiến, đây là tài sản cá nhân và quyền của con người. Nhìn vào các bãi giữ xe không khỏi cảm giác ngốt. Người đã đi nhiều nơi trên thế giới nghĩ, sao mình chẳng giống ai, cái gì cũng chẳng giống ai, lượng xe như thế này thì cầm chắc ô nhiễm nặng nề và cũng cầm chắc bệnh tật kèm theo. Người bất mãn nghĩ, chính các ông ấy cho nhập thả giàn, còn rước các nhà máy về sản xuất tại chỗ, chắc phải có nhóm lợi ích trong chuyện này. Người dễ tính hơn tấm tắc, nền kinh tế quốc gia trên yên xe máy, kỳ tích đấy, hiện tượng với thế giới đấy, đặc sắc Việt Nam đấy. Người thờ ơ thì không nghĩ gì, cứ sắm thêm cho đã, cần một việc chừng hai trăm mét đường cũng cứ phóng xe đi, quá hay, đất nước có bao giờ như thế này chưa?

Hai vợ chồng trong gia đình lúng túng mãi với đề tài xe máy mỗi khi tranh luận. Chồng nhất quyết xe máy là phát kiến của chính dân chúng, không thì họ đi bằng gì? Vợ phản biện, các nước người ta vui với xe đạp, xe đạp giải quyết được mọi vấn đề cá nhân cùng với phương tiện công cộng và ô tô. Chồng kiên định: mới chui từ bao cấp ra, ô tô đâu, vậy là người Việt cứ phải chung thân với xe đạp ư, con cái cháu chắt cũng chỉ biết có mỗi xe đạp hay ư? Vợ cũng không lung lay: sao không đưa công cộng xuống lòng đất như các nước, sao không có đường riêng để xe buýt không phải chen lèn với các phương tiện khác? Chồng phát cử chỉ hết chịu nổi: tiền đâu, vốn đâu đào đường hầm làm metro lòng đất? Vợ cũng như thể không chịu nổi: sao có tiền làm tượng đài, làm công sở, làm quảng trường mãi, sao không học Singapore, học Hàn Quốc, thậm chí học Triều Tiên? Bây giờ thì cả hai vợ chồng cùng hạ hỏa vì đã gặp nhau: Người ta khác, mình khác, nước mình nó thế!

Chừng như ai cũng thấy xã hội quá bất an, riêng thương vong từ tai nạn giao thông mỗi năm bằng một cuộc chiến tranh. Đã có mấy chục cuộc chiến tranh nữa trên đất nước nhỏ tí này từ khi cất cánh, hội nhập. Xe máy đáng sợ ở chỗ nó hình thành nên thói quen và tác phong con người, và khi đã ăn sâu thì nó sẽ thành văn hóa, phản xạ từ văn hóa, của văn hóa. Chúng ta ai cũng biết đi xe máy và cũng sở hữu xe máy. Và hẳn chúng ta cũng tiếc nhớ thời yên bình với xe đạp: nghèo mà an, trẻ con tự đến trường, người người khoan thai. Ai giàu, xin mời biệt thự ngoại thành và ô tô. Số đông chấp nhận bình an, phương tiện công cộng chưa thỏa mãn đủ thì ta có đôi chân và xe đạp ơi, ta yêu người biết mấy. Giờ nghe mô tả hẳn nhiều người sẽ bật cười, tưởng gì, hết chuyện sao đưa chuyện tụt hậu ra để nói? Rồi sẽ đến lúc phải có lộ trình để kết thúc sứ mệnh lịch sử của lũ xe máy láo nháo này, nhất định thế!

Singapore là hình mẫu. Singapore có hệ thống công cộng trong lòng đất sạch đẹp hơn cả Paris. Họ có khu cho người lao động nhập cư sinh sống và hàng ngày xe chở số ấy ra vào trung tâm để bảo đảm cho trung tâm không lộn xộn, pha tạp. Và hệ thống công cộng trên mặt đất của họ thật mê ly. Bảo sao họ là quốc gia được kính trọng tuyệt đối? Việt Nam cứ mơ đi nhưng chính người viết bài than thở này cũng thấy không biết bắt đầu từ đâu để đưa đất nước vào kỹ cương, yên bình, ngăn nắp, sạch đẹp. Đi ngược quá xa với người ta rồi, cái nước mình nó thế!

Dạ Ngân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lai-ban-chuyen-xe-may-post229200.html