Lạc vào thế giới muôn hoa bừng nở

Sách 'Flower: Exploring the World in Bloom' tôn vinh vẻ đẹp và sự đa dạng của thế giới tự nhiên, được thể hiện bằng các họa tiết hoa trong suốt lịch sử.

 Trong nhiều thế kỷ, hoa đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và nghệ nhân. Ảnh hưởng của chúng được tôn vinh trong cuốn Flower: Exploring the World in Bloom, một cuộc khảo sát toàn diện về vai trò của hoa trong nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Ảnh: Londonflowerschool.

Trong nhiều thế kỷ, hoa đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và nghệ nhân. Ảnh hưởng của chúng được tôn vinh trong cuốn Flower: Exploring the World in Bloom, một cuộc khảo sát toàn diện về vai trò của hoa trong nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Ảnh: Londonflowerschool.

Cuốn sách có hàng trăm hình ảnh đầy màu sắc, được tuyển chọn bởi một nhóm chuyên gia gồm các nhà sử học nghệ thuật, người phụ trách bảo tàng, nhà thực vật học, người trồng hoa và người làm vườn. Ấn phẩm đưa người đọc tham quan một bảo tàng về cách các loài hoa được thể hiện từ hơn 4.000 năm nay. Tác phẩm Nuphar and Ranunculus, 2016, chất liệu mực trên giấy của Sarah Graham. Ảnh: Landscapenote.

Đây là một dự án đầy tham vọng. Flower: Exploring the World in Bloom minh họa đầy đủ tác động mang tính biểu tượng của hoa đối với cuộc sống hàng ngày của con người. Trong ảnh là tác phẩm Undersurface Flowers, 2018, chất liệu hoa và nước của Azuma Makoto. Ảnh: Shiinoki Shunsuke/AMKK.

Sách là tập hợp các tác phẩm chung chủ đề về hoa, bao gồm những bức tranh tĩnh vật quen thuộc của các nghệ sĩ nổi tiếng, các tác phẩm đa phương tiện của các nghệ sĩ đương đại. Trong ảnh là một bản khắc màu thủ công trong cuốn sách Tabulae Phytographicae của nhà thực vật học Johannes Gessner (1709-1790). Ảnh: Landscapenote.

Không dừng lại ở tranh vẽ, cuốn sách cho thấy vẻ đẹp của hoa trên gốm sứ, đồ kim loại, đồ trang sức, thảm trang trí, đồ nội thất, bản thảo, sách, thời trang, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật kỹ thuật số tương tác, tem bưu chính... Mỗi hình ảnh được kèm theo văn bản diễn giải xác định nghệ sĩ, nêu chi tiết cách thức tạo tác phẩm và cung cấp bối cảnh lịch sử. Trong ảnh là tác phẩm Apple Blossom (2015), chất liệu gỗ, sơn của Yoshihiro Suda. Ảnh: Look.

Để tiếp tục kích thích tìm hiểu, các hình ảnh trong các trang sách không được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Thay vào đó, chúng xuất hiện bất kể thời kỳ nào, theo cặp được chọn để làm nổi bật sự tương phản và tương đồng giữa chúng. Ảnh: Phaidon.

Trong sách, bản in mỹ thuật năm 2020 của Britt Willoughby Dyer được đặt cạnh hình ảnh quảng cáo phim Phù thủy xứ Oz năm 1939 ; một bản in bạc gelatin vẽ hoa mao lương của Henry Troth từ năm 1900 được so sánh với bức tranh sơn dầu năm 1968 Buttercups của Lucian Freud; và một chiếc bình đất nung năm 1915 của Sara Galner tương phản với bức tranh khắc gỗ, Bullfinch and Weeping Cherry năm 1834 của Katsushika Kokusai. Ảnh: Landscapenote.

Phần giới thiệu sách cung cấp một cái nhìn tổng quan về lịch sử của các loài hoa. Tác giả đã khéo léo dẫn dắt, thể hiện cách hoa đã đi vào đời sống con người, thậm chí trở thành biểu tượng. Cho dù xuất hiện trong bức bích họa Flora from Pompeii hay hình ảnh bông hồng trên Instagram, hoa là chất xúc tác cho sự sáng tạo, một họa tiết phổ quát được áp dụng khắp các nền văn hóa với nhiều hình thức và hình ảnh đa dạng. Tác phẩm Hellebore, 2020 của Britt Willoughby Dyer. Ảnh: Landscapenote.

Sách cũng dành tám trang khắc họa dòng thời gian mà các tác phẩm, hình ảnh xuất hiện trong sách. Dòng thời gian này kéo dài từ năm 3000 TCN (Lilium candidum, một trong những loài hoa được thuần hóa đầu tiên) đến 2019 (hoa mẫu đơn trở thành quốc hoa của Trung Quốc, thay thế hoa mận được chọn vào năm 1928). Trong ảnh là đồ trang sức bằng vàng, khoảng năm 2300-2100 TCN, hiện trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Ảnh: Landscapenote.

Các tài liệu tham khảo khác bao gồm bảng thuật ngữ và phần nội dung "Ý nghĩa của các loài hoa" cung cấp lịch sử ngắn gọn về nhiều loài hoa xuất hiện trong sách và ý nghĩa của chúng đối với các nền văn hóa. Ảnh: Landscapenote.

Đặc biệt, sách giới thiệu các tác phẩm ít được biết đến của các nghệ sĩ nổi tiếng như Ellsworth Kelly, Josef Frank, Alexander McQueen, Piet Mondrian và Robert Mapplethorpe. Ngoài ra, việc đưa tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại nhắc nhở chúng ta rằng nghệ thuật không tĩnh và chúng ta không chỉ đơn giản là những người quan sát thiên nhiên, mà là những người tham gia tích cực vào quá trình sáng tạo. Sắp đặt hoa Flower Flash, 2018 của công ty thiết kế hoa Lewis Miller Design. Ảnh: Raymond Meier.

Từ Ai Cập cổ đại đến Andy Warhol, Flower: Exploring the World in Bloom tôn vinh vẻ đẹp và sự đa dạng của thế giới tự nhiên được thể hiện bằng các họa tiết hoa trong suốt lịch sử. Từ những bông hoa quen thuộc trong vườn, hoa dại và cây có hoa mà tất cả chúng ta đều biết và yêu thích đến những loài kỳ lạ, sức hấp dẫn của hoa trải dài khắp các nền văn hóa. Trong ảnh là nghệ sĩ Nhật Yayoi Kusama lúc 10 tuổi năm 1939.

Bản vẽ Nghiên cứu về hoa mẫu đơn, 1472-1473. Bột màu và màu nước của Martin Schongauer. Ảnh: Landscapenote.

Nam Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lac-vao-the-gioi-muon-hoa-bung-no-post1434664.html