Lạc vào một làng nghề

Hồi xưa, nghĩa là mấy chục năm về trước, người ta gọi nơi đó là hải đảo. Hải đảo là một cồn đất nằm giữa dòng sông Cái thuộc TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhìn rất rõ khi qua cầu Xóm Bóng với mảng cây xanh che khuất. Hồi đó có một cây cầu xi-măng nối từ đường 2-4 sang nơi này, thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đi qua xem người ta tổ chức đá gà. Hồi đó cũng có một nhà hàng do một công ty Nhà nước quản lý.

Trải nghiệm với gốm.

Trải nghiệm với gốm.

Nay hải đảo có cái tên mới: Champa Island, trở thành một khu vực khách sạn, khu vui chơi và cà-phê… thu hút nhiều người tìm đến. Sự tìm đến càng nhiều hơn khi nơi này đã tạo ra một không gian làng nghề truyền thống, một nét riêng khiến cho người tìm đến như chạm gặp chính mình và nhận ra như mình đã từng lãng quên những điều nhỏ nhặt mà chính nó đã tạo ra những sản phẩm độc đáo từ bàn tay người thợ.

Đó là một khu đất nép mình ven sông, cạnh ngay con đường rất đẹp và nhiều bóng cây. Một khu vực nhiều cây và thảm cỏ xanh để hờ hững nơi đó những chiếc xe cổ như tạo cho khách tìm đến một sự tò mò nhất định, trước khi bước vào trong những gian nhà tạo không gian mở mà chiêm nghiệm. Làng nghề ở đây là một điểm đến cho bất cứ ai muốn trải nghiệm mà chưa thể đến như nghề gốm, chằm nón, thêu lụa… với chính những nghệ nhân từ các làng nghề được mời đến để tạo ra sản phẩm và hướng dẫn cho khách. Một gian nhà rộng như một làng gốm Bàu Trúc thu nhỏ, trên các kệ là trưng bày các sản phẩm gốm, nghệ nhân đến từ làng gốm biểu diễn tạo ra sản phẩm gốm cho khách xem. Và nếu muốn tự mình tạo ra một món đồ gốm nào đó, thì có đất sét sẵn đó, có bàn xoay để khách tự sáng tác ra một món gốm như cái ly, bình… và sản phẩm ấy sau đó sẽ được nung và trao tận tay khách. Lò nung được dựng ngay mép bờ sông để nung các sản phẩm gốm thiết kế đẹp cũng là một điểm nhấn của khu làng nghề. Khách cũng sẽ thích thú ngồi vào khu vực chằm nón sau khi được hướng dẫn cách xếp lá để vào khung, hướng dẫn chằm với những cây kim có những sợi chỉ bằng cước rất mỏng manh. Công đoạn làm vành phải nhờ đến tay nghệ nhân, vì đây là công đoạn khó.

Chằm nón lá.

Có một nghề truyền thống với các tác phẩm thêu tay rất được du khách nước ngoài ưa thích có mặt tại nơi này. Những nghệ nhân thêu tranh giới thiệu các bức tranh thêu trên lụa và biểu diễn thêu với những đường kim mũi chỉ.

Câu chuyện làng nghề còn có cái kết là tại nơi này có cả một vườn cây quất. Những cây quất được gây giống và trồng trên một diện tích khoảng 100 m2 giống như một điểm tham quan và lại là nguồn nguyên liệu để sử dụng cho Champa Island. Quất tại đây ra trái quanh năm ngoài tiêu thụ tươi, được chế biến thành quất rim làm món tráng miệng cho khách trong các bữa tiệc.

Khi rời khỏi làng nghề Champa Island, chúng tôi mang về một cái lò đất nung để đúc bánh căn và bánh xèo đúng chất gốm Bàu Trúc. Cũng có nhiều khách chọn mua bộ lò này như một kỷ niệm.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_223430_lac-vao-mot-lang-nghe.aspx