Lạc Thủy, Hòa Bình: Không có cơ sở nhưng vẫn cố tình 'bảo vệ' cái sai?

Như Báo Thanh tra đã thông tin, xung quanh vụ việc tranh chấp lối đi tại xã Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình:

Được cụ Trần Thị Nhẫn ủy quyền, hiện nay, ông Đỗ Hữu Tài (con trai cụ Nhẫn) tiếp tục khiếu nại. Theo ông Tài: “Ngày 4/7/2017, UBND huyện Lạc Thủy có văn bản số 547/UBND-TNMT trả lời gia đình tôi là diện tích đang tranh chấp 113,7m2 giờ chia làm hai phần: Thứ nhất, 53,9m2 trong diện tích 113,7m2 đất đang tranh chấp huyện kết luận là đất nằm trong sổ gia đình tôi. Thứ hai, 59,8m2 trong diện tích 113,7m2 thì lại thuộc UBND xã Đồng Tâm quản lý”.

Đối với sự việc UBND xã Đồng Tâm lập “khống” văn bản làm việc kiểm tra, xác minh của đoàn cán bộ huyện, xã, kết luận có 59,8m2 đất ngoài diện tích đất nhà ông Tài là “đất chuyên dùng xã quản lý phục vụ cho giao thông”: Chưa kể việc lập “khống” là hành vi vi phạm pháp luật, ngay trong trường hợp văn bản kiểm tra này có thật với đầy đủ thành phần, chữ ký, thì nó cũng không có giá trị pháp lý “phân chia lại” cho người nằm ngoài Giấy CNQSD đất được phép sử dụng một phần diện tích, mà diện tích ấy hoàn toàn nằm trong “sổ đỏ” của cụ Trần Thị Nhẫn. Tuy nhiên, chính quyền huyện Lạc Thủy, trong suốt thời gian qua, như Báo Thanh tra đã nêu: biết sai nhưng không chịu sửa, cố tình “hợp thức hóa” sai phạm (Bài “20 năm tranh chấp lối đi và cách của chính quyền hành xử với dân” - 25/9/2018).

Gần đây nhất, ngày 21/8/2018, tại văn bản số 755/UBND-TTr “về việc trả lời đơn đề nghị của công dân”, UBND huyện tiếp tục cho rằng 59,8m2 đất này là “đất chuyên dùng phục vụ giao thông”.

Theo UBND huyện Lạc Thủy: “Căn cứ vào bản đồ đo đạc giải thửa đất thổ cư và đất nông nghiệp, ý kiến của một số hộ dân (nguyên là chủ hộ sử dụng đất đã bán cho ông Định) cho biết: con đường là của nông trường đi lại để trồng cây thuốc lá, sau này cấp đất dân cư là con đường đi lại sản xuất của nhân dân. Con đường đi trước có giao thông hào, quá trình sử dụng đất gia đình bà Nhẫn đã san lấp giao thông hào. Như vậy, việc xác định diện tích 59,8m2 là đất chuyên dùng phục vụ cho giao thông do UBND xã Đồng Tâm quản lý là có cơ sở”.

Để kết luận 59,8m2 là “đất chuyên dùng phục vụ giao thông”, tại văn bản số 755/UBND-TTr, UBND huyện Lạc Thủy cho biết cơ quan hành chính Nhà nước này“căn cứ vào bản đồ đo đạc giải thửa đất thổ cư và đất nông nghiệp”.Tuy nhiên, chính quyền hai cấp, từ UBND xã Đồng Tâm đến UBND huyện Lạc Thủy từ trước đến nay chưa bao giờ đưa ra được một tấm bản đồ đo đạc giải thửa nào có giá trị pháp lý để chứng minh kết luận của họ có cơ sở. Thậm chí, gần đây nhất, theo thông tin từ ông Đỗ Hữu Tài: ngày 26/9/2918, bà Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, khi đến làm việc tại nơi có diện tích 59,8m2 “đất chuyên dùng phục vụ giao thông”, chỉ đem theo một mảnh giấy cắt dán, giải thích với gia đình ông Tài rằng đây là “bản đồ 299 liên quan đất đang tranh chấp”(?).

Mặt khác, cụ Trần Thị Nhẫn (mẹ đẻ ông Tài) được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1991, tức là được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987 (có hiệu lực từ ngày 1/1/1988). Tại thời điểm đó, căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, đất đai được phân thành các loại sau đây: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng. Như vậy, có thể hiểu: bản đồ giải thửa đất thổ cư và đất nông nghiệp (ngay trong trường hợp bản đồ là thật, có đầy đủ giá trị pháp lý) thì trên đó cũng chỉ thể hiện ai là chủ sử dụng hai loại đất (đất nông nghiệp và đất khu dân cư) mà hoàn toàn không thể hiện cái gìđấy gọi là… “đất chuyên dùng phục vụ cho giao thông do xã quản lý”. Ấy vậy mà cơ quan thanh tra huyện Lạc Thủy vẫn “tham mưu” UBND huyện ra văn bản số 755/UBND-TTr “căn cứ vào bản đồ đo đạc giải thửa đất thổ cư và đất nông nghiệp…”để kết luận về… “đất chuyên dùng…"(?).

Ngoài ra, cũng tại văn bản số 755/UBND-TTr, UBND huyện Lạc Thủy còn căn cứ vào ý kiến của một số hộ dân để từ đó kết luận rằng “việc xác định diện tích 59,8m2 là đất chuyên dùng phục vụ cho giao thông do UBND xã Đồng Tâm quản lý là có cơ sở”: Rõ ràng đây cũng vẫn là sự suy diễn, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Về pháp lý, vụ việc này không “quá khó” nhưng kéo dài do chính quyền chưa nhìn thẳng vào sự thật để “sửa sai”. Người khiếu kiện mệt mỏi, các cơ quan có thẩm quyền mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, giúp cho việc giải quyết của cấp dưới đúng pháp luật.

Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/lac-thuy-hoa-binh-khong-co-co-so-nhung-van-co-tinh-bao-ve-cai-sai_t114c39n140032