Lạc Sơn Đại Phật, bức tượng 1.200 năm tuổi cao nhất thế giới bị đỉnh lũ chạm đến chân

Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới, được một nhà sư khởi xướng xây dựng với mục đích trấn áp thủy quái, cứu giúp dân lành.

Hình ảnh nước lũ lần đầu tiên chạm tới chân bức tượng đá Lạc Sơn Đại Phật kể sau 71 năm.

Hình ảnh nước lũ lần đầu tiên chạm tới chân bức tượng đá Lạc Sơn Đại Phật kể sau 71 năm.

Trung Quốc đang phải hứng chịu các trận mưa lũ lớn hơn bình thường và gây hậu quả nghiêm trọng. Theo giới chức nước này, mùa lũ năm nay bắt đầu từ tháng 6 khiến ít nhất 219 người chết và mất tích, hơn 63,5 triệu người dân bị ảnh hưởng, gây thiệt hại trực tiếp đến kinh tế 25,8 tỷ USD.

Hôm 19/8, bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo, đập Tam Hiệp sẽ đón trận lũ số 5 trên sông Dương Tử với dòng chảy từ thượng nguồn đổ về hồ chứa của đập lên tới 74.000 m3/giây.

Truyền thông địa phương cho hay, lần đầu tiên kể từ năm 1949, nước lũ sông Dương Tử đã chạm tới ngón chân của Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên, đe dọa di sản văn hóa thế giới và khiến 100.000 người phải sơ tán.

Lạc Sơn Đại Phật, bức tượng phật bằng đá cao nhất thế giới.

Lạc Sơn Đại Phật, còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, tọa lạc tại hợp lưu của ba con sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y thuộc phía Nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bức tượng đối diện với núi Nga Mi, và dòng sông chảy dưới chân Phật.

Tượng Phật bắt đầu được tạc vào đầu năm 713, do một một hòa thượng có tên Hải Thông khởi xướng. Khi đó, việc 3 con sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y đổ về một lưu vực khiến nước sông đoạn này nhiều dòng xoáy, sâu và chảy xiết, thuyền bè đi qua đều bị lật chìm. Vì thế dân gian đồn đại dưới đoạn tam giang có thủy quái lộng hành.

Hòa thượng Hải Thông cho rằng nếu tạc tượng Phật trên vách đá sát đoạn sông này có thể khuất phục được thủy quái, giúp tàu bè đi qua không còn bị tai nạn.

Lạc Sơn Đại Phật tọa lạc tại khu vực hợp lưu của ba con sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y thuộc tỉnh Tứ Xuyến, Trung Quốc.

Hải Thông đại sư sau đó đã triệu tập nhân lực và vật lực để xây dựng bức tượng. Sau khi ông qua đời, các đệ tử của ông tiếp quản việc xây dựng cho đến năm Đường Đức Tông Trinh Nguyên thứ 19 (năm 803), bức tượng mới được hoàn thành, kéo dài 90 năm.

Bức tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết và cả chiến tranh.

Với chiều cao 71m, Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới. Tượng Phật khổng lồ được đẽo từ vách đá của đỉnh Thê Loan ở núi Lăng Vân. Bức tượng là một vị Phật Di Lặc ngồi với áo choàng rũ xuống, hai tay đặt trên đầu gối và chân đặt trên đài sen.

Thân của tượng Đức Phật cao 59,98m, đầu cao 14,7m, chiều ngang 10m, chiều rộng mắt 3,3m, chiều dài mũi 5,6m, chiều rộng miệng 3,3m, chiều dài tai 7m, chiều cao cổ 3m, chiều rộng vai 28m và chiều rộng thân 28,5m. Ngón giữa dài 8,3m, bàn chân dài 10,5m, rộng 9m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào.

Khi xây dựng, tượng Phật được sơn son thếp vàng, hình dáng cân đối, khuôn mặt trang nghiêm, dáng điệu uyển chuyển, thần thái uy nghiêm.

Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng khoảng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.

Ngoài ra, tượng Phật còn được bao phủ bởi một gian nhà 13 tầng, gọi là Đại Tượng các, đến đời nhà Tống đổi tên thành Thiên Ninh Các, nhưng đã bị phá hủy trong cuộc chiến lập lên nhà Minh. Từ đó, tượng Phật sừng sững hiên ngang giữa trời, gánh mưa chịu nắng. Đồng thời, do khu vực xung quanh ẩm ướt nên Lạc Sơn Đại Phật đã bị phong hóa nghiêm trọng.

Việc trung tu cũng đã được thực hiện vào năm 1914, nhưng dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, tượng Phật khổng lồ được sử dụng như bia tập bắn để quân đội địa phương luyện tập, và phần mặt của bức tượng bị tổn hại nặng nề.

Kể từ năm 2001, chính phủ Trung Quốc đã phân bổ hàng trăm triệu Nhân Dân Tệ để thực hiện công việc tu sửa và bảo tồn tượng Phật.

Một góc cảnh khu du lịch Lạc Sơn Đại Phật.

Người dân trong khu vực này nói rằng: "Sơn thị nhất tọa Phật, Phật thị nhất tọa sơn" (núi là Phật và Phật cũng là núi). Một phần điều này là do dãy núi trong đó có Lạc Sơn Đại Phật được cho là có hình dáng tương tự như Phật đang ngủ, khi nhìn từ phía sông, với Đại Phật nằm ở vị trí tim, ngụ ý "tâm trung hữu phật".

Hoa Vũ (Theo Sina)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/nhung-cau-chuyen-ve-tuong-lac-son-dai-phat-mat-90-nam-moi-hoan-thanh-bi-dinh-lu-cham-den-chan-a335686.html