Lạc quan về tương lai việc làm của ASEAN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định lạc quan về tương lai việc làm của ASEAN nhưng cũng lưu ý việc quản lý hiệu quả các thách thức mà CMCN 4.0 tạo ra đối với thế giới việc làm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính

Ngày 13/9/2018, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN năm 2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, đã diễn ra phiên thảo luận về Tương lai việc làm ở ASEAN. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính.

Cùng dự với Phó Thủ tướng tại phiên thảo luận này có các diễn giả uy tín gồm: ôngHaoliang Xu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Trợ lý Giám đốc Chương trình UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; bà Vivilan Lau, Chủ tịch tổ chức JA châu Á-Thái Bình Dương; ông Ian Lee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Adecco; bà Francesca Chia, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Tập đoàn GoGet. Phiên thảo luận được điều phối bởi ông Warren Jude Fernadez, Tổng Biên tập Thời báo Straits Times của Singapore.

Các diễn giả nhìn chung đánh giá lạc quan về tương lai việc làm của ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0); chia sẻ, trao đổi về những thay đổi công nghệ và tác động đến tương lai việc làm, chuyển dịch địa việc làm, các giá trị mới trong thế giới việc làm.

Phiên thảo luận đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ người lao động thích ứng với môi trường việc làm mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: đổi mới giáo dục-đào tạo, tạo cơ hội chuyển đổi việc làm, tăng cường hợp tác công – tư, chú trọng tính liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục – đào tạo trong trang bị lại các kỹ năng phù hợp cho người lao động.

Tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định lạc quan về tương lai việc làm của ASEAN nhưng cũng lưu ý việc quản lý hiệu quả các thách thức mà CMCN 4.0 tạo ra đối với thế giới việc làm.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Phó Thủ tướng đánh giá CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều việc làm mới trong các ngành, nghề mới, đồng thời sẽ tác động đến các ngành nghề sử dụng nhiều lao dộng như dệt may, da giày, xây dựng…

Trong thời đại CMCN 4.0, bên cạnh các kỹ năng của giáo dục STEM, cần chú trọng giáo dục toàn diện, các giá trị tinh thần, văn hóa và các nhóm nghề chăm sóc con người đòi hỏi yếu tố tình cảm văn hóa nhiều hơn, chú ý nhiều đến nhu cầu riêng có yếu tố tình cảm mà máy móc không thể đáp ứng được…

Phó Thủ tướng chia sẻ điểm khác biệt của Việt Nam với các nước phát triển trong xử lý tác động của CMCN 4.0 đối với việc làm là phải xử lý đồng thời việc làm mới tạo ra trong lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ và số lao động chuyển đổi từ lĩnh vực nông nghiệp (đang chiếm 38% hiện nay) sang lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ.

Để giải quyết được thách thức của CMCN 4.0 đối với việc làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng đào tạo kỹ năng để người lao động có khả năng tự tạo ra các việc làm cho chính mình, đồng thời đẩy mạnh học tập suốt đời, không chỉ chú trọng đào tạo cho người trẻ mà cả người trưởng thành và lớn tuổi để tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người.

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng chia sẻ một số chính sách Việt Nam đang được triển khai như: đẩy mạnh đổi mới giáo dục – đào tạo từ mầm non, tăng cường tư duy sáng tạo để chuẩn bị cho tương lai việc làm đang có nhiều biến động, đưa nền giáo dục của Việt Nam tiệm cận trình độ quốc tế, tạo ra các kho tri thức số hóa cho tất cả mọi lứa tuổi, mọi ngành, nghề, tăng cường ứng dụng các thiết bị di động trong giáo dục – đào tạo…

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/wef-asean-2018-lac-quan-ve-tuong-lai-viec-lam-cua-asean-d81025.html