Lạc quan về tăng trưởng kinh tế

8 tháng đầu năm, tương đương 2/3 thời gian của năm đã đi qua với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá. Từ 8 tháng cộng với lường định các yếu tố trong thời gian còn lại, có thể dự báo gì cho cả năm?

Các ngành kinh tế tăng trưởng khá

Mặc dù gặp khó khăn do mưa, lũ xảy ra sớm, diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại không nhỏ, nhưng nông, lâm nghiệp - thủy sản vẫn đạt kết quả tích cực. Giá thịt lợn tăng, đàn lợn đang phục hồi dần. Sản lượng thủy sản tăng khá (5,8%), trong đó sản lượng nuôi trồng tăng cao hơn sản lượng khai thác (6,6% so với 5%), sản lượng tôm có giá trị cao nhất trong 3 loại sản phẩm thủy sản - tăng cao hơn tổng số. Kỳ vọng cả năm GDP do nông, lâm nghiệp - thủy sản tạo ra sẽ tăng trên 3%, cao hơn 3 năm trước (2015 tăng 2,41%, 2016 tăng 1,36%, 2017 tăng 2,9%).

Tốc độ tăng số khách quốc tế đến Việt Nam (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Công nghiệp 7 tháng tiếp tục tăng khá, chủ yếu do công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (13,3%); các ngành công nghiệp điện, nước, quản lý và xử lý nước thải tiếp tục tăng; ngành khai khoáng giảm ít hơn. Nhiều sản phẩm chủ yếu, nhiều địa bàn có giá trị sản xuất công nghiệp lớn tăng, có địa bàn tăng khá cao (Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...). Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng cao, nên đã góp phần kéo tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế lên theo.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV sẽ tiếp tục chậm lại so với quý I và 6 tháng. Một mặt do số gốc so sánh là quý III và quý IV năm trước cao. Mặt khác do tác động tiêu cực của tình hình bên ngoài (chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ...). Mặt khác nữa do những khó khăn, hạn chế nội tại của kinh tế trong nước vẫn còn lớn, nhất là về hiệu quả đầu tư, năng suất lao động.
Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ năm trước (11,3%). Nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cao hơn tốc độ chung (Bộ NNPT&NT, Bộ GD&ĐT; TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng…). Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện nhìn chung còn thấp (56,2%).
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2%, giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2%. Tuy nhiên, lượng vốn đăng ký bổ sung giảm (12,8%), cấp mới tăng thấp (0,2%). Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản còn cao (cấp mới chiếm 37,1%)...
Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu
Tiêu thụ trong nước thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ (TMBL) hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá của kỳ này tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (8,53% so với 8,31%). Tiêu thụ trong nước tăng ngoài yếu tố trong nước còn có yếu tố lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao (10.403,9 nghìn lượt người, tăng 22,8%). Nếu nhịp độ tăng trong các tháng còn lại đạt được như 8 tháng đầu năm, thì dự kiến cả năm nay sẽ đạt xấp xỉ 16 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay và có thể mang lại cho xuất khẩu dịch vụ du lịch vượt qua mốc 10 tỷ USD. Đó là một lượng ngoại tệ lớn.
Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước vẫn chưa khởi sắc do thu nhập tăng thấp, nhất là ở những DN có hiệu quả thấp hoặc bị giải thể, tạm ngừng hoạt động lớn và tăng lên so với cùng kỳ (giải thể 9.135 DN, tăng 17,8%, tạm ngừng hoạt động 63.235 DN, tăng 38,1%).
Xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Quy mô xuất khẩu đạt 155,41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; mới qua 2/3 thời gian nhưng đã đạt cao hơn mức cả năm 2014. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng 14,5%. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (17,4% so với 13,4%). Tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu. Mới qua 8 tháng, đã có 22 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Có 19 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD.
Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (14,5% so với 11,6%), Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu trong cùng kỳ năm trước (0,97 tỷ USD), sang xuất siêu trong kỳ này (2,854 tỷ USD). Từ kết quả 8 tháng có thể kỳ vọng sẽ vượt kế hoạch về quy mô xuất khẩu (tăng trên 10%), sẽ không nhập siêu mà còn xuất siêu.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tuy vẫn còn cao hơn mục tiêu cả năm, nhưng đã chậm lại (8 tháng chỉ bằng trên một nửa tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm); xuất siêu cũng đã nhỏ dần do trong vài tháng nay nhập siêu trở lại...

Đức Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lac-quan-ve-tang-truong-kinh-te-324438.html