Lạc quan top đầu, người Việt tiêu tiền vung tay quá trán?

Việt Nam có mức độ lạc quan cao thứ 5 toàn cầu. Có lẽ vì thế mà người Việt dễ vay mượn mua sắm quá khả năng chi trả.

Theo công bố mới nhất của Nielsen, trong quý 3/2017, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 116 điểm, điều này tiếp tục giúp Việt Nam trở thành quốc gia có mức độ lạc quan cao thứ 5 toàn cầu.

VnEconomy dẫn lời bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Vietnam nhận định: "Tại Việt Nam, người tiêu dùng vẫn tiếp tục cho thấy sự lạc quan và tự tin trong suốt năm 2017. Xu hướng đồng nhất này chính là kết quả của sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lạc quan của GDP trong 9 tháng đầu năm 2017, đi kèm với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng là những tín hiệu tích cực để giúp người Việt trở nên lạc quan và tự tin hơn".

Người dân Việt Nam có tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại

Cũng theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, nguyên nhân để lý giải điều này chính là Việt Nam là một quốc gia có nhiều người tiêu dùng trẻ cùng chia sẻ niềm hy vọng tươi sáng về một tương lai tốt đẹp hơn với điều kiện sống tốt hơn, thu nhập tăng cao hơn đi kèm với nền giáo dục tốt dành cho trẻ và những cải thiện tích cực từ Chính phủ trong tương lai.

Khảo sát của Nielsen ghi nhận, trong những quý vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn cho các kỳ nghỉ, các hoạt động giải trí, nâng cấp các thiết bị công nghệ, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa...

Có lẽ vì lạc quan, tự tin nên tâm lý chi tiêu và vay mượn để chi tiêu của người Việt cũng cởi mở hơn.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến gần 60% so với năm 2016 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm.

Trong khi đó, tính tới năm 2016, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Với những xu hướng hành vi tiêu dùng, VDSC nhận thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại.

Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân. Hơn nữa, nếu tăng chi tiêu dùng không gắn với tăng trưởng kinh tế thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi trong dài hạn.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lac-quan-top-dau-nguoi-viet-tieu-tien-vung-tay-qua-tran-3350948/