Lạc quan thận trọng

Có thể nói vậy về triển vọng đột phá trên bán đảo Triều Tiên sau khi Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng đàm phán về giải trừ hạt nhân với Mỹ và Hàn Quốc. Vẫn còn cả một chặng đường chông gai phía trước cho bất kỳ tiến triển nào trong quan hệ giữa các bên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp ông Chung Eui-yong - đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - trong chuyến thăm Bình Nhưỡng ngày 6.3.2018. Ảnh: KCNA/Reuters

Đối thoại Mỹ - Triều

Trong một động thái được nhiều người đánh giá là táo bạo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 6.3 cho biết, sẵn sàng thảo luận “thẳng thắn” vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của nước này với Mỹ - theo ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đặc phái viên về Triều Tiên. Đổi lại, ông Chung cho biết, Triều Tiên muốn chấm dứt gây hấn quân sự và đảm bảo sự an toàn cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng tự đề xuất ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong khi đối thoại đang được tiến hành.

Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng, ông nhìn thấy “tiến triển khả quan” và “nỗ lực nghiêm túc” của tất cả các bên có liên quan. “Tôi nghĩ rằng, dường như Triều Tiên chân thành muốn đàm phán với Mỹ vì họ cảm nhận được sức ép của trừng phạt, và vì những gì chúng tôi đang làm với sự tôn trọng Triều Tiên” - Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump từ chối cho biết, liệu ông có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để đàm phán với Bình Nhưỡng hay không. “Tôi không muốn nói về vấn đề đó. Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì sẽ diễn ra, nhưng những tuyên bố của Hàn Quốc và Triều Tiên là rất tích cực” - ông Donald Trump bổ sung.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 7.3 nhận xét: “Nhìn vào tin tức hoặc Twitter, tôi tin rằng, Tổng thống Donald Trump lạc quan về chuyến thăm Triều Tiên của giới chức Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì đây mới là sự khởi đầu, nên tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa ở trong tình huống mà chúng ta có thể lạc quan” - ông Moon Jae-in nói. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ không được giảm nhẹ chỉ vì lợi ích của cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều. Theo lời ông Chung Eui-yong, 2 miền Triều Tiên sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kể từ năm 2007 giữa lãnh đạo cấp cao ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng Tư tới. “Sẽ không có nới lỏng trừng phạt, cũng không có ‘quà’ cho Triều Tiên” - ông Shin Yong-hyun của đảng đối lập Bareun Mirae cho biết trong cuộc họp báo hôm 7.3. Nhà Xanh ra tuyên bố cho biết, mục tiêu của Hàn Quốc là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Thận trọng

Thế giới cũng tỏ ra lạc quan thận trọng trước đột phá có thể có trong hồ sơ Triều Tiên bởi ám ảnh với những lần thất bại trước đây trong nỗ lực ngăn cản Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 7.3 cho biết, điều “cực kỳ quan trọng” là Triều Tiên phải thể hiện cam kết và hành động cụ thể của mình đối với việc từ bỏ phát triển tên lửa hạt nhân theo một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Giới phân tích nhìn nhận rằng, những điều kiện tiên quyết mà Mỹ đề xuất - Triều Tiên chấm dứt thử tên lửa, hạt nhân và bày tỏ sẵn sàng thảo luận về giải giáp hạt nhân - đã được đáp ứng để Washington có thể bắt đầu đối thoại với Bình Nhưỡng. “Tôi nghĩ Triều Tiên đã chứng tỏ sự sẵn sàng, ít nhất là với công luận, để hợp tác với Mỹ” - tờ The Korea Herald dẫn lời ông Frank Aum - chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ. Nhưng chuyên gia này cho rằng, không rõ điều đó đã đủ với Mỹ chưa, bởi Phó Tổng thống Mike Pence mới đây có nói là, lập trường của Mỹ về Triều Tiên sẽ không thay đổi, chừng nào Bình Nhưỡng không có bước đi để chấm dứt chương trình hạt nhân một cách đầy đủ, tin cậy và có thể kiểm chứng.

Một chuyên gia khác - ông James Kim tại Viện nghiên cứu chính sách Asan - cho biết, các cuộc đàm phán thăm dò có thể diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến được tổ chức vào cuối tháng Tư, nhưng trước hết cần phải biết, Triều Tiên có ý gì khi nói đến phi hạt nhân hóa, liệu họ có từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân theo cách có thể kiểm chứng, hay chỉ giảm bớt mà thôi.

Ngoài ra, giáo sư Kim Hyun-wook, của Học viện Ngoại giao Hàn Quốc nhận định, trong khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Triều có thể mở ra, thì Hàn Quốc đang ở một thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu Mỹ-Triều ngồi xuống đàm phán mà không đạt được kết quả nào, thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ cân nhắc đường lối cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. “Chính phủ Hàn Quốc nên tiếp tục đảm bảo rằng, sự tan băng trong quan hệ liên Triều cần phải theo kịp với tiến bộ trong quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên” - ông Kim Hyun-wook nói.

VÂN ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/lac-quan-than-trong-594669.ldo