Lạc quan kinh tế Việt

Việt Nam đã trở thành cái tên xuất hiện dày đặc trên truyền thông quốc tế trong những ngày gần đây, với những đánh giá tích cực cũng như kỳ vọng sẽ được lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều gì đã khiến nhiều người lạc quan về kinh tế Việt như thế trong bối cảnh hiện nay?

Bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP ) của Việt Nam năm 2018 lên đến 7,08%, mức kỷ lục trong thập kỷ qua. GDP quý 1 vừa qua cũng ở mức 6,79%, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới dù phải đối mặt với không ít thách thức gần đây.

 Các ngành sản xuất của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh

Các ngành sản xuất của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh

Hiện quy mô nền kinh tế Việt hiện nay chỉ đang bằng 69% nền kinh tế Singapore, nhưng theo ông Irvin Seah, kinh tế gia cấp cao của ngân hàng DBS, với tiềm năng giữ mức tăng trưởng hiện tại (6-6,5%) trong trung hạn với 5,5% tăng trưởng kinh tế đến từ tăng trưởng năng suất lao động và 1% đến từ tăng dân số trong độ tuổi lao động, thì “kinh tế Việt Nam sẽ vượt quy mô kinh tế Singapore trong thập kỷ tới nếu cả hai nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện tại".

Báo cáo của DBS cũng cho biết chính phủ Việt Nam đang cố gắng nỗ lực khuyến khích đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Vị trí địa lý của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà nước này là thành viên khiến cho quốc gia có vị thế thuận lợi để hưởng lợi. Trong khi đó, theo Nikkei Asian Review, năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện là nguyên nhân giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nhiều công ty từng bước chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2019 thu hút 1.363 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6.457,9 triệu USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính luôn số vốn điều chỉnh tăng thêm thì tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 9.086,7 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ở dòng vốn đầu tư gián tiếp ghi nhận 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc chiếm hơn 24% tổng vốn đăng ký cấp mới với 233 dự án, đạt 1,56 tỷ USD và tăng hơn 4,5 lần so với con số 280,9 triệu USD của của cùng kỳ năm 2018. Với dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh mẽ như trên, Viện Nghiên cứu Mizuho ước tính hiệu ứng trên sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng 0,5 điểm %, giúp Việt Nam trở thành nước hưởng lợi lớn nhất của châu Á trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.

Ở hoạt động thương mại, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của cuộc căng thẳng thương mại từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc. Tờ BusinessInsider cũng cùng nhận định cho rằng Việt Nam và Mexico là 2 nước hưởng lợi lớn nhất trong cuộc thương chiến lần này.

Trong năm 2018, Việt Nam đạt xuất siêu kỷ lục hơn 7,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm nay đang tạm nhập siêu 0,5 tỷ USD trong bối cảnh giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu leo thang. Tuy nhiên, nếu xét riêng với thị trường Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt hơn 39,5 tỷ USD trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm nay đã lên tới 16,8 tỷ USD.

Báo cáo gần đây của Bloomberg cho thấy Việt Nam là một trong những nguồn nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ trong quý 1/2019, khi nhảy vọt 40,2% so với cùng kỳ 2018. Cũng theo ước tính của Bloomberg thì nếu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam duy trì trong cả năm 2019 thì Việt Nam có thể vượt mặt Ý, Pháp, Anh và Ấn Độ để lên đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ.

Đạt được kết quả như trên một phần nhờ vào những nỗ lực giữ ổn định nền kinh tế của Việt Nam trong những năm trở lại đây.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/lac-quan-kinh-te-viet-164303.html