Lạc mô hình nhân rộng CSA cho năng suất cao

Vụ Hè Thu 2019, mô hình nhân rộng 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu'(CSA) thuộc Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thực hiện trên cây lạc tại HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

 Lạc được trồng theo mô hình CSA lên đều, đẹp, năng suất cao.

Lạc được trồng theo mô hình CSA lên đều, đẹp, năng suất cao.

Ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Cổ Mỹ cho biết, đúc rút kinh nghiệm và khắc phục những khó khăn do thời tiết bất thuận gây ra từ vụ sản xuất trước, vụ Hè Thu vừa qua mô hình nhân rộng CSA sản xuất trên cây lạc với diện tích 17ha. HTX đã chỉ đạo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của dự án đề ra. Dự án hỗ trợ một phần giống lạc, công cụ gieo hạt, đạm vàng, 100% màng phủ ni lon... cho 200 hộ nông dân tham gia. Lạc được gieo bằng máy gieo hạt giúp cho ruộng mô hình đảm bảo được mật độ gieo trồng, đồng thời giảm công lao động nên bà con nông dân rất phấn khởi thực hiện.

Theo ông Lê Chẩn, những ngày nắng nóng, khi kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lạc, chân ruộng nào có màng phủ thì cây lạc sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn so với những ruộng không có màng phủ. 17 ha trồng lạc theo mô hình nhân rộng đã cho năng suất bình quân đạt gần 25 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà gần 8tạ/ha.

Ông Lê Ngọc, một thành viên lâu năm của HTX cho biết năm nay gia đình ông sử dụng giống lạc Lỳ Tây Nguyên với với tỷ lệ khoảng 160kg lạc vỏ/ha. Cán bộ kỹ thuật của Chi cục và Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh chủ động hướng dẫn người dân sản xuất. Trước khi gieo từ 5-7 ngày nên phơi lại giống lạc (cả vỏ) trong nắng nhẹ 1- 2 ngày, phơi xong mới bóc vỏ. Đây là các thức gieo mới lạ mà ông cùng người dân ở đây được thử nghiệm, tuy nhiên lại cho tỷ lệ hạt nảy mầm cao hơn 20-30% so với cách thức canh tác trước đây. Áp dụng màng phủ ni lon, ông cùng bà con bà con tiết kiệm được khá nhiều công lao động, cụ thể việc bón phân chỉ thực hiện một lần duy nhất trước khi gieo hạt và chỉ cần bổ sung thêm phân bón qua lá khi cần; tiết kiệm công làm cỏ. Đến khi thu hoạch lợi nhuận kinh tế ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà khoảng trên 760 ngàn đồng đồng/sào, tương ứng với hơn 15 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu quan trọng mà dự án WB7 hướng đến là khả năng nhân rộng của mô hình trong sản xuất, thay đổi được nhận thức cũng như những tập quán sản xuất đã cũ nhằm góp phần giúp cây trồng thích ứng với sự biến đổi phức tạp của điều kiện khí hậu và mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích.

Người dân HTX Cổ Mỹ đang gieo lạc cho vụ mùa mới.

Tính đến nay, diện tích thực hiện mô hình CSA trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 3.908 ha. Trong đó diện tích thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu” 110ha, diện tích CSA nhân rộng chính 2.835 ha, diện tích CSA nhân rộng đại trà 900 ha. Kế hoạch đến năm 2020 tiếp tục mở rộng diện tích nhân rộng chính đạt 3.550 ha và nhân rộng đại trà đạt 1.888 ha.

LÂM QUANG (Kiến thức gia đình số 46)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lac-mo-hinh-nhan-rong-csa-cho-nang-suat-cao-post252865.html