Lạc lõng

'Phúc ơi! Xuống ăn cơm đi con! Có bác Năm tới nhà chơi, cùng ăn tối nữa nè con'; 'Phúc, xuống lẹ đi'… Mặc cho mẹ gọi 3-4 lần, bạn H.D.Phúc (25 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) vẫn ngồi lì ở trong phòng tầng trên. Phúc ngồi trước máy tính và cả điện thoại bấm bấm liên tục. Trong màn hình là những đoạn hội thoại dài dằng dặc của cậu với đám bạn.

Không phải đến bây giờ, khi đã 25 tuổi, đi làm cho một công ty công nghệ, mà từ những năm cấp 3, Phúc đã có lối sống khép kín với người thân họ hàng, hàng xóm hay các mối quan hệ xã hội khác. Phúc không có nhu cầu hỏi han, trò chuyện, tìm hiểu hay kết nối quá thân thiết với người ngoài, trừ ba mẹ. Duy chỉ có một điều là Phúc cực kỳ giỏi công nghệ, siêng dùng mạng xã hội.

Ngay từ cấp 2, cấp 3, ba mẹ đã sắm cho Phúc dàn máy vi tính tốt để học, điện thoại xịn để liên lạc. Ông bà không ngờ rằng chính điều đó và căn phòng với 4 bức tường đã kéo con trai mình vào một thế giới riêng, mà đôi khi ba mẹ cũng không thể phá vỡ. Mặc dù giỏi chuyên môn công nghệ, nhưng khi đi làm Phúc thường hay bị lạc lõng, bởi bản thân cậu không có những kỹ năng mềm giao tiếp, nói chuyện với đồng nghiệp được vài câu đã dán mắt vào điện thoại.

Cũng nói về nhân viên trẻ thường xuyên “cắm mặt” vào điện thoại khi đang làm việc tại công ty, chị Trương Thị Thùy Trang (36 tuổi, quản lý văn phòng một công ty ở quận 9) cho biết, văn phòng chị vừa cho một người nghỉ việc vì… điện thoại. “Tôi biết không hẳn nhiều người bấm điện thoại là chơi vô bổ, có người bấm để liên hệ công việc, tạo mối quan hệ, bán hàng, quảng cáo… Tuy vậy, nếu ở nơi làm việc của mình mà nhân viên lướt điện thoại mọi lúc mọi nơi thì không ổn chút nào. Các bạn “lanh” trong sử dụng điện thoại, trong khi kỹ năng ứng xử thực tế ngoài mạng xã hội quá kém. Tốt nghiệp đại học, nhiều bạn trẻ kỹ năng mềm không có, đến văn phòng làm việc không có ý thức tập thể”, chị Trang kể.

Có lẽ, chưa bao giờ bất cứ ở đâu, từ nhà ra phố, từ trường học đến công sở, từ nhà thấp tầng đến nhà cao tầng lại có nhiều… màn hình đến vậy. Hình ảnh cha mẹ, con cái mỗi người một cái điện thoại trong giờ ăn, lại cúi mặt xuống chiếc điện thoại để nhắn tin, lướt Facebook… là những cảnh trở nên quá quen thuộc - đến mức bình thường. Những câu chuyện rời rạc, sự kết nối hờ hững khiến các mối quan hệ trở nên lạnh nhạt. Điều băn khoăn không phải là người trẻ hội nhập như thế nào, mà là họ sống như thế nào với sự hội nhập đó.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (sáng lập Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý JobWay) cho rằng, về lâu về dài lối sống đó của người trẻ là một mối lo lắng thật sự và đáng báo động. Theo anh, việc dành thời gian quá nhiều trên mạng ảo sẽ làm thui chột kỹ năng tương tác xã hội, từ đó khiến cho con người lãnh cảm, thờ ơ và vô cảm hơn trước những diễn biến thực tế và các mối quan hệ xã hội.

“Tâm lý, tình cảm chỉ được nảy sinh và phát triển dựa trên những tương tác thật, sự quan tâm thật và thông qua các hoạt động giao tiếp trực tiếp. “Văn hóa cúi đầu” (cắm đầu vào các thiết bị điện tử thông minh) sẽ khiến cho sự quan sát và cảm nhận thế giới xung quanh bị hạn chế, người trẻ mất đi khả năng ứng biến với các tình huống ngoài đời thực. Nhu cầu khẳng định bản sắc cá nhân của người trẻ là rất lớn. Vì vậy để hạn chế những thỏa mãn ảo, gia đình, xã hội, nhà trường cần tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động hấp dẫn để người trẻ có cơ hội thể hiện mình và được vinh danh ở thế giới thực nhiều hơn…”, TS Hòa An nhận định.

CA DAO - KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lac-long-709067.html