Lạc lối giữa 'ma trận' xin việc

Trên 10.000 sinh viên, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học, hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo - theo 1 khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI).

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Việc làm là nỗi quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí chưa biết cả cách làm hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn...

Hấp lực của “việc nhẹ lương cao”

Có việc làm và thu nhập ổn định là ước mơ của người lao động, đặc biệt, nếu được làm công việc đúng chuyên môn, sở trường sẽ là điều lý tưởng. Giữa thời đại phát triển bùng nổ của mạng xã hội, cơ hội việc làm và những thách thức kiểu “miếng mồi ngon” với người đi xin việc cũng bùng nổ không kém.

Trong vai một sinh viên ngành kế toán mới ra trường, PV dò la trên mạng và kết nối với số hotline của một “trung tâm giới thiệu việc làm” có đề trụ sở tại phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội). Liên lạc qua điện thoại, “tư vấn viên” giới thiệu tên Dũng và quảng bá tại trung tâm này “việc gì cũng có, cơ bản việc nhẹ lương cao, nhiều việc không yêu cầu bằng cấp”. Về hình thức giao dịch, người có nhu cầu tìm việc “không cần đến trụ sở trung tâm mà chỉ cần chuyển phí 50.000 đồng sẽ nhận được danh sách 40 đầu việc địa bàn Hà Nội liên quan đến chuyên ngành kế toán”. Khi PV hỏi trung tâm có đảm bảo có việc mới thu phí hay không, người này cho hay phải “chuyển phí trước khi nhận danh sách, vì biết đâu bạn đòi hỏi quá cao so với công việc mà chúng tôi đang có”.

Sau khi khất lần với lý do “suy nghĩ thêm”, PV tìm đến địa chỉ của “trung tâm” thì lại thấy đây là quán photocopy có bề rộng chưa đầy 2m. Hỏi han tại đây, không ai biết “trung tâm giới thiệu việc làm” nào.

Chuyển “vai” qua một lao động phổ thông không có bằng cấp cần tìm việc, PV liên lạc với số điện thoại của “anh Mạnh” và trao đổi cần việc làm tại các công trường xây dựng, nhu cầu bao ăn ở, lương khởi điểm 5 triệu đồng. “Anh Mạnh” yêu cầu PV gửi 1 ảnh chân dung và 1 ảnh toàn thân và chỉ số chiều cao, cân nặng, năm sinh để “sơ tuyển”. PV hẹn 1 ngày đi chụp ảnh để gửi thì được báo nhắn trước các chỉ số hình thể. “Bịa” ra vài con số phù hợp với 1 thanh niên cao to, PV lập tức được “anh Mạnh” hướng dẫn: “Có việc nhẹ hơn, đừng đi làm công trường. Em có làm phục vụ quán hát khu Mỹ Đình không? Lương cơ bản 3 triệu/tháng, bao ăn ở, làm từ 15 giờ đến khoảng 24 giờ. Ở đấy “típ” nhiều, thu nhập cao lắm”…

Tin nhắn giữa PV với các “trung tâm dịch vụ việc làm”.

Thiếu nhiều kỹ năng, va chạm thực tế

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, thực tế là học sinh, sinh viên đang thiếu hụt nhiều kỹ năng vì đa số các trường tập trung vào các môn học theo quy định. Các kỹ năng như kỹ năng sống, giao tiếp, phỏng vấn… không được đào tạo hoặc đào tạo không bài bản.

“Ngoài ra, người lao động đang bị bủa vây trong thế giới thật giả lẫn lộn, nhiều trường hợp bị các công ty đưa ra mồi chài, giới thiệu nhưng sau đó mất tiền lại không được gì. Thực tế này cũng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các thông tin về việc làm còn hạn chế, chủ yếu người lao động phải thông qua các kênh không chính thức, như bạn bè, người thân,…”, ông Vinh nói.

Chung quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho rằng: “Dù có đến bốn bằng đại học hay bao nhiêu chứng chỉ kỹ năng đi nữa nhưng không có kỹ năng va chạm thực tế thì sinh viên cũng khó xin việc làm”.

Theo ông Tuấn, vấn đề việc làm là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí chưa biết cả cách làm hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn. Theo một khảo sát của FALMI trên 10.000 sinh viên, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.

Đáng chú ý, trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% sinh viên vẫn phải làm việc trái nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.

GHI CHÉP CỦA QUỲNH CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/lac-loi-giua-ma-tran-xin-viec-626801.ldo