Là vùng kinh tế quan trọng nhưng ĐB Sông Cửu Long đã 'đánh mất' 1,3 triệu người trong 10 năm qua

10 năm qua, đã có 1,3 triệu người di dân khỏi đây, tương đương với dân số của 1 tỉnh trong khu vực. Thiếu việc làm, đô thị hóa thấp… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI và Đại học Fulbright vừa công bố "Báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long" cho thấy nhiều vấn đề còn tồn đọng ở khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 3,9 triệu ha, gồm 13 tỉnh thành. Đây là vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, góp 17,7% GDP của cả nước. Toàn vùng có hơn 55.000 doanh nghiệp hoạt động. Năm 2019, vùng này đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, đóng góp của vùng này vào GDP trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là giảm tăng trưởng chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế trong khi di dân tăng. Ngoài ra, các yếu tố như biến đổi khí hậu, chất lượng hạ tầng logistics yếu kém... làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp vùng.

ĐBSCL chiếm 20% dân số cả nước nhưng chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc. Trung bình cứ 10 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thì chỉ có 0,5 tại ĐBSCL và các dự án đầu tư vào khu vực này thường nhỏ.

Hiện tại, ĐBSCL có 17,3 triệu dân. Trong suốt 10 năm qua, con số trên 17 triệu người vẫn được bảo toàn. Nguyên nhân là do dân số tăng nhưng bù vào lượng người di dân khỏi khu vực để vào các thành phố lớn làm ăn. Cụ thể, 10 năm qua, đã có 1,3 triệu người di dân khỏi đây, tương đương mới dân số của 1 tỉnh trong khu vực.

Tại họp báo Diễn đàn Mekong Connect: Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày 15/12, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ lý giải vì sao lượng người di dân khỏi khu vực lại lớn như vậy:

Thứ nhất, thiếu việc làm nên người lao động phải di chuyển tới các khu vực khác để kiếm kế sinh nhai. Theo báo cáo trên, 80% trong tổng số 1,3 triệu người rời khỏi khu vực là từ nông thôn, độ tuổi từ 18 đến 35 - giai đoạn trong độ tuổi lao động. Do đó, ở nhiều khu vực chỉ có người già và trẻ em. Chỉ có 2 địa phương có người nhập cư là Cần Thơ và Long An.

Long An là khu vực có nhiều khu công nghiệp của ĐBSCL nên hút lao động đến làm.

Rất nhiều doanh nghiệp cho biết, hạ tầng giao thông ở khu vực này kém nên chi phí logistic rất cao. Do đó, họ chọn TPHCM hay Vũng Tàu để tiện cho xuất khẩu.

80% doanh nghiệp Việt trả lời rằng hạ tầng giao thông nên chi phí logistic rất cao. Nên họ chỉ đặt ở TPHCM và Vũng Tàu để tiện cho xuất khẩu.

Hiện nay, 10 dự án đầu tư vào Việt Nam thì trung bình, chỉ có 0,5 dự án đặt tại ĐBSCL và quy mô rất bé. Nguyên nhân là hạ tầng không lôi kéo được nhà đầu tư. Dự án không có nên lực lượng lao động khó có cơ hội việc làm gần nhà nên họ phải di chuyển sang vùng khác để làm ăn.

Thứ hai, ĐBSCL là khu vực đô thị hóa thấp nhất cả nước, chỉ tương đương với Tây Nguyên. Những nhu cầu thiết yếu của người dân phần nhiều vẫn chưa được đáp ứng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đi học, trình độ học vấn của lao động đang là vấn đề lớn của khu vực này. Số liệu cho thấy, khi vào lớp 1 thì học sinh ở vùng đạt 100%. Nhưng khi hết cấp 1, lượng học sinh chỉ còn 75%. Hết cấp 2, lượng học sinh chỉ còn 60%, thấp hơn cả vùng Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc.

Thêm vào đó, chính phủ đầu tư vào ĐBSCL không ít nhưng các dự án không trọng điểm. Câu chuyện về logistic còn là vấn đề rất lớn tại khu vực này.

Đỗ Lan

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/la-vung-kinh-te-quan-trong-nhung-db-song-cuu-long-da-danh-mat-13-trieu-nguoi-trong-10-nam-qua-8202016129330350.htm