Là vợ bộ đội... không được kêu ca

Chồng đóng quân ở biên giới, dù cố chắt chiu, nhưng lương hằng tháng gửi về cho vợ cũng chẳng đáng là bao, một mình chị lo toan nuôi 3 con ăn học. Khi các con lập gia đình, chị lại chăm nuôi 3 cháu nội, ngoại để các con yên tâm công tác. Khó có thể hình dung, người phụ nữ Hà Nhì chưa một lần bước chân ra khỏi huyện lại có thể làm được những công việc một cách chu toàn như thế.

Nhà của vợ chồng Thiếu tá Lý Trùy Tư-Lý Chùy Pư là căn nhà gỗ ở đầu bản Mù Cả (xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu). Thấy khách đến, chị Pư vội thay bộ quần áo truyền thống. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng khách của người Hà Nhì. Ngồi nói chuyện, nếu không vì chất giọng lớ lớ của người vùng cao nói tiếng phổ thông thì khó ai nghĩ chị là người Hà Nhì. Có lẽ, ở khắp bản Mù Cả này, mấy ai được như chị. Chị bảo, nhà không giàu về vật chất, nhưng nếu con cái là tài sản lớn nhất của bố mẹ, thì chị giàu nhất bản. Quả đúng vậy, con gái đầu là Lý Lệ Thanh, tốt nghiệp cao đẳng kế toán, hiện là thủ quỹ của Trường Phổ thông dân lập (PTDT) nội trú Ka Lăng; con trai Lý Duy Khánh hiện là học viên năm cuối Khoa Chỉ huy, quản lý bảo vệ biên giới, Học viện Biên phòng và Lý Diệu Hương, học sinh lớp 11, Trường PTDT nội trú huyện Mường Tè, luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhà chị cũng mới “biên chế” thêm một "chiến sĩ nhí" biên phòng khi con gái Lý Lệ Thanh lấy chồng là Trung úy Phùng Anh Dũng, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Ka Lăng. Con gái lấy chồng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), con trai cũng là bộ đội, thường xuyên công tác xa nhà; thương các con, chị bảo con dâu và con gái mang cháu về để chị nuôi, khi bố bọn trẻ ổn định công tác, kinh tế đỡ khó khăn thì đón con về.

Vợ chồng anh Lý Trùy Tư-chị Lý Chùy Pư và các cháu nội, ngoại.

Thăm quanh nhà, chúng tôi khá ngạc nhiên khi mình chị chăm 3 cháu nội, ngoại, nhưng lợn, gà vẫn đầy chuồng, chưa kể 7.000 m2 đất trồng ngô và cây ăn quả và đàn dê gần chục con đang tiếp tục sinh đàn. Chị bảo: Cách đây mấy năm, khi đồng lương của anh không đủ nuôi 3 con ăn học xa nhà, nên anh chị quyết định vay ngân hàng 200 triệu đồng để tăng gia sản xuất, chăn nuôi, hằng tháng trích lương của anh để trả. Thiếu tá Lý Trùy Tư cười bảo: “Nhà gần đồn, nhưng thời gian ăn nghỉ chủ yếu ở đơn vị, công việc luôn phải bám nắm địa bàn, nên dù việc nhà rất nhiều, cũng không giúp gì được nhiều, ngoài “công tác tham mưu” cho vợ chăn nuôi, trồng trọt. Thỉnh thoảng tôi lại nhắc vợ làm cho tốt để tôi và con rể Tuấn Anh, sau này là con trai Duy Khanh, ra công tác có thêm uy tín mỗi khi xuống bản vận động bà con phát triển kinh tế".

Chị Lý Chùy Pư là con gái của Trung tá Khoàng Phu Cà, nguyên Tiểu khu phó Tiểu khu Mường Tè, Bộ chỉ huy BĐBP Lai Châu. Chị chia sẻ, dù bố là cán bộ, thoát ly từ nhỏ, nhưng cũng như nhiều gia đình người Hà Nhì, chỉ các anh, em trai mới được đi học. Mẹ và mấy chị em gái ở nhà trồng trọt, cấy hái. Và tất nhiên thời đó, lương bộ đội không bao giờ dư ra để gửi về nhà. Ấy vậy mà mẹ chị không bao giờ kêu ca. Mẹ bảo: “Bộ đội đi lo việc nước, việc dân, làm vợ bộ đội không được thắc mắc, kêu ca”. Chị học được từ mẹ đức tính chịu thương chịu khó ấy. Xinh đẹp, tháo vát, con nhà cán bộ, biết bao người theo đuổi, nhưng chị lại nhận lời lấy anh, nhà vốn chẳng giàu có gì. Cũng như mẹ, từ khi trở thành vợ bộ đội, chị thức khuya dậy sớm, lên nương trồng cấy, nuôi gà lợn lấy tiền nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ hai bên.

Hiểu được tấm lòng của vợ, Thiếu tá Lý Trùy Tư luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Từ khi nhập ngũ, hầu như năm nào anh cũng được tặng giấy khen, bằng khen của các cấp. Con trai chị đang là học viên, nhưng cũng được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Con rể Phùng Anh Dũng cũng không hề kém bố và anh vợ, được chỉ huy đơn vị đánh giá cao. Ai cũng hiểu rằng, thành tích đó có được, một phần nhờ sự vất vả lo toan việc gia đình của chị để những người đàn ông trong nhà chuyên tâm công tác, bảo vệ biên cương.

Bài và ảnh: TRÚC HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/la-vo-bo-doi-khong-duoc-keu-ca-546533