Lá trốn ngủ

Tôi gọi lá mối là lá trốn ngủ vì mỗi khi nghĩ đến nó tôi đều nhớ mình đã từng có rất, rất nhiều những buổi trưa trốn mẹ lang thang đầu bờ cuối bụi tìm hái lá mối.

Một điều ngạc nhiên là khi tôi nhắc đến lá mối thì có nhiều bạn cùng quê (khác xã) bảo không biết thứ lá này. Lạ thật, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng đứa trẻ cùng quê nào cũng đều có kí ức về những buổi trưa trốn ngủ đi hái lá mối như mình. Ngẫm cũng thấy hay hay, có những thứ mọn mằn đôi khi lại hóa điều… đặc biệt.

Lá mối có hình dạng gần giống lá sâm nam nhưng nhìn giống hình tam giác hơn vì đuôi lá nhọn và phần đầu có hai góc hơi vuông chứ không tròn như lá sâm nam. Điểm rõ ràng nhất để nhận biết là lá mối mỏng hơn, không có lông, màu lá xanh non chứ không xanh đậm và có lông tơ như lá sâm nam.

Biết là biết vậy nhưng cũng không dễ gì hái được vì mối là dây leo nên cứ đu bám lắt lẻo vào những thân cây, lá nằm lẩn khuất dưới những lớp lá khác, đó là chưa nói, buổi trưa nắng chang chang hoa mắt, rất dễ nhầm lá mối với lá bát, lá đồng tiền. Tìm suốt buổi trưa, có khi cũng chỉ được một nắm lá nhưng không vì thế mà lấy làm nản, trưa nào tôi cũng phạm tội trốn ngủ đi chơi. Chơi là mẹ nói chứ đâu có chơi, tôi đi tìm hái lá mối mà.

Trò này bắt nguồn từ những bữa “đại tiệc” của chị em tôi. Hồi ấy đói rách, làm gì có quà vặt nào ngoài những lần hiếm hoi mẹ đi rừng hái củi rồi tranh thủ tìm lá sâm nam đem về làm món sương sâm (thạch sâm nam). Một ít đường đen thắng dẻo nữa thì buổi trưa dù oi ả thế nào cũng thấy mát lịm đến tận ruột gan. Ăn được một lần thì thèm, muốn ăn nữa, trẻ nhỏ mà. Thèm thì ráng chịu chứ dễ gì được ăn sâm nam. Nhà nghèo con đông nên mẹ trước sau vẫn căn cơ tằn tiện, mục tiêu là đứa nào cũng được đến trường chứ không phải chăn bò ẵm em cho người ta nên mẹ kiên định lập trường ăn nhín nhịn thèm. Sâm nam không tốn tiền mua lá nhưng một thau sâm nam thì phải tốn nửa ký đường nên phải thi thoảng lắm mẹ mới thết đãi một bữa.

Không sao, không có sương sâm thì có lá mối vậy. Tôi và mấy nhỏ trong xóm đều mê trò này. Hái lá mối về vò nát, lược bỏ xác, không cần phải rắc nang mực vì lá mối không đông cứng như sâm nam được. Vò xong, bỏ xác thì nước lá mối cũng đông lại một lớp ở trên mặt, gọi là đông nhưng cũng chỉ kết lại thành mảng ở bề mặt và xốp xịch. Nhưng không sao, với chúng tôi thì đó là thành quả rồi nên vui mừng bỏ ít hạt muối vào rồi cắm đầu xì xụp húp, không có mùi vị gì ngoài đã khát nhưng đứa nào cũng tít mắt bảo ngon.

Giờ nghĩ lại chuyện hồi đó tôi còn tủm tỉm cười, cái lí lẽ nghề đời chuyện gì cũng có hai mặt dường như lúc nào cũng thấy đúng. Lá mối có tác dụng lợi tiểu, vậy là thành chuyện bi hài, buổi trưa trốn ngủ đi tìm lá mối vò ăn rồi đêm về phải thức để giải quyết nỗi buồn.

***

Tuổi thơ đi qua, những buổi trưa trốn ngủ đi hái lá mối cũng trở thành dĩ vãng.

Tôi nhiều khi “lẩm cẩm” thường nhắc chuyện hồi nhỏ trốn ngủ đi hái lá mối. Con trai hỏi là lá gì, tôi ngước nhìn ra ngõ như quán tính nhưng giật mình vì hàng rào bây giờ không còn những bụi cây rậm rạp để dây mối bám vào nữa.

Kì lạ, dù không thể nhìn thấy những chiếc lá mối quanh nhà nhưng trong kí ức của mình, tôi chưa bao giờ quên màu lá xanh non hình trái tim và những đêm mất ngủ để mẹ xót lòng hét, trưa mai trốn ngủ đi hái lá mối nữa là ăn roi với tui…

Bích Nhàn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/la-tron-ngu-1420297.tpo