Lá thư tri ân thầy 20 năm trước

Sau 20 năm, học trò vẫn tìm thầy để đọc lá thư nói về tình thầy trò. Đại tá Vũ Hữu Kẹo, nguyên Hệ trưởng Hệ Quân chủng, Học viên Chính trị xúc động và xin mang lá thư này về đặt ở Phòng truyền thống của Học viện Chính trị và nói rằng, những người học trò mang quân hàm xanh thể hiện sự hiếu kính đến mức không ngờ.

Thầy Vũ Hữu Kẹo (thứ 5 từ trái sang) cùng vợ và các học trò tại buổi gặp mặt. Ảnh: Văn Chương

Thầy Vũ Hữu Kẹo (thứ 5 từ trái sang) cùng vợ và các học trò tại buổi gặp mặt. Ảnh: Văn Chương

Hai mươi năm là một khoảng thời gian khá dài và có thể có những thứ sẽ trôi vào quên lãng. Nhưng cuộc gặp gỡ của những người lính quân hàm xanh với thầy giáo sau 20 năm diễn ra trong căn phòng nhỏ của tại TP Đà Nẵng vừa qua đã nói lên một điều - tình thầy trò là thiêng liêng và mãi lắng đọng. Đại tá Vũ Hữu Kẹo, nguyên Hệ trưởng Hệ Quân chủng, Học viện Chính trị được các học trò mời từ Hải Dương vào Đà Nẵng để gặp mặt.

Năm 1999, những người lính quân hàm xanh kết thúc 2 năm học tại Lớp Biên phòng 1, Hệ Quân chủng, Học viên Chính trị, Bộ Quốc phòng, ra trường và được phân công về các đơn vị khắp đất nước, vì vậy việc hội tụ đông đủ học trò để gặp mặt thầy đến nay mới thực hiện được.

Thầy giáo Kẹo đứng nhìn lần lượt từng học trò cách đây 20 năm là những chàng lính trẻ măng, còn bây giờ phần lớn đã mang cấp hàm Đại tá. Đại tá Phan Trường Sơn, Phó Chính ủy BĐBP Bình Định được thầy Kẹo nhận xét “ngày đó mới vô trường, cậu trông trắng trẻo như bột và hiền lành”. Những học trò khác đều được thầy Kẹo nhận xét từng tính cách, nét sinh hoạt, năng lực học tập…Tình thương học trò của người thầy đã khiến ông lưu giữ khá lâu hình ảnh học trò trong ký ức. Tình thương đó như một sợi dây vô hình và niềm ao ước của thầy Kẹo giờ đã được thỏa nguyện.

Buổi lễ diễn ra giản dị và ấm cúng trong căn phòng nhỏ. 17 sĩ quan đến dự buổi gặp mặt đều đến cùng vợ để giới thiệu, vì thầy Kẹo tỏ ý mong muốn được gặp luôn cả "người nhà" để chia sẻ câu chuyện về tình thầy trò. Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thì đưa đủ cả gia đình đến để ra mắt thầy. Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị; Đại tá Phạm Hồng Châu, Hoàng Tiến Thắng, nguyên Hệ trưởng, Đại tá Phạm Hồng Anh, nguyên giáo viên công tác Đảng, công tác chính trị gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thầy giáo Kẹo xúc động khi nghe học trò đọc lá thư, nội dung kể lại từng chi tiết nhỏ khi vào học tập, từ căn phòng dành cho 17 học viên Biên phòng đầy cỏ mọc và phải dọn dẹp đến một tuần, nhưng sự khó khăn được những người lính trẻ biến thành câu chuyện hài hước chứ không hề than vãn. Rồi chuyện trường quá nghèo, chiếc giường ngủ được vài ngày thì gãy đôi ra và trên thanh giường lộ ra hàng chữ được các học viên khắc vào từ trước năm 1975: “Quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược”.

Thầy giáo Kẹo sau 20 năm mới bật mí với học trò câu chuyện lớp Biên phòng 1, Hệ Quân chủng khi vào học thì có đến 5 đồng chí chỉ mang quân hàm Thượng úy. Có nhiều ý kiến đề nghị trả các đồng chí này về đơn vị cơ sở để công tác thêm một thời gian nữa, vì lớp học này thì quân hàm ít nhất phải là đại úy hoặc tương đương cấp tiểu đoàn, khi nào được phong cấp đại úy thì mới nhận vào trường. Nhưng nhờ sự can thiệp của cấp trên, đồng thời, những người lính mang quân hàm xanh ngay từ đầu đã thể hiện những đức tính khá đặc biệt đến nỗi chính một số thầy giáo đã đề nghị để các chàng lính trẻ được tiếp tục theo học.

Thầy Kẹo chia sẻ, trong 10 năm làm chủ nhiệm lớp, thầy ấn tượng nhất là lớp của Biên phòng. Họ luôn thể hiện sự hiếu kính với thầy giáo và sống rất tình cảm, chan hòa như cách mà anh em thường sống với người dân nơi biên giới, hải đảo. Tình cảm đó khiến cả cuộc đợi thầy không thể nào quên. Cô Bùi Thị Bảy, vợ của thầy Kẹo không giấu niềm xúc động, khi chồng đã về nghỉ từ năm 2015, hiện phụ trách công tác tuyên giáo của Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương, nhưng những người học trò khắp miền đất nước vẫn tha thiết được gặp mặt thầy và cô để nói lời tri ân.

Trong lá thư được đại diện lớp đọc cho thầy giáo sau 20 năm gặp mặt, có đoạn “2 năm học tập và rèn luyện tại trường, tuy thời gian không dài, nhưng đã để lại trong trái tim, trong tâm trí chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc. Vì đó là quãng thời gian mà mỗi chúng tôi còn là những cán bộ trẻ, đang nuôi bao hoài bão, ước mơ về sự cống hiến cho đất nước… 20 năm đã qua, nhưng chúng tôi luôn ghi ơn sự quan tâm, dìu dắt, dạy dỗ, rèn luyện và chăm sóc của các thầy cô để chúng tôi trường thành”.

"Lá thư của học trò quân hàm xanh chạm đến trái tim người thầy, học trò của thầy sống đầy tình người nên chắc chắn sẽ luôn thương yêu, giúp đỡ dân, còn trong cuộc sống và sự nghiệp sẽ gặp nhiều may mắn. Đây là bài học sâu sắc về công tác Đảng, công tác chính trị"- Thầy Kẹo chia sẻ.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/la-thu-tri-an-thay-20-nam-truoc/