Là thủ khoa Sơn La, Hòa Bình thì sao?

Thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La trở thành thủ khoa hay có điểm cao nhất của trường này, trường kia đều khiến dư luận xã hội nghi ngại vì gian lận thi cử ở 2 tỉnh này chưa đến hồi kết. Như thế liệu đã công bằng?

Từ một tháng trở lại đây, cá nhân tôi bất bình và khó chịu khi các vụ gian lận thi cử liên tiếp được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La rồi đến Hòa Bình. Trong thâm tâm tôi không chấp nhận chuyện thực tài bị đánh đồng với quan hệ và tiền tệ.

Nhưng tôi cũng không đồng tình khi các trường đại học công bố điểm chuẩn kỳ thi THPT Quốc gia 2018, dư luận ngay lập tức “soi” liên tục vào những thủ khoa đến từ Sơn La, Hòa Bình với ánh mắt thiếu thiện cảm.

Công an khám nhà một cán bộ nghi vấn gian lận điểm thi tại Hòa Bình.

Thủ khoa và á khoa học viện Hậu cần, tổng điểm lần lượt là 28,7 và 28,25 - đến từ Hòa Bình; thủ khoa học viện An ninh Nhân dân khối A01 tổng điểm 31,25 - đến từ Sơn La; thủ khoa khối C03, tổng điểm 29,25 - đến từ Hòa Bình. Thủ khoa học viện Cảnh sát Nhân dân - đến từ Lạng Sơn. Thí sinh từ Sơn La là người cao điểm nhất của trường học viện Kỹ thuật quân sự nếu không tính điểm ưu tiên.

Điều ngẫu nhiên là những thí sinh thủ khoa đa phần đến từ các địa phương đang có điều tra về gian lận thi cử. Trước đó, Lạng Sơn cũng là tỉnh có nhiều lùm xùm và nghi vấn gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ kết luận nào kết tội những thí sinh được nâng điểm. Vậy tại sao dư luận xã hội lại hướng vào các em điều ác ý?

Sự gian dối, tinh vi, xảo quyệt đến từ người lớn, từ lòng tham trong cạnh tranh thi cử. Còn học sinh chỉ là những nạn nhân đáng thương của lòng tham ấy.

Tôi còn nhớ bức tâm thư của một em học sinh ở Quảng Ngãi đã gửi Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo sau kỳ thi: "Cháu từng tự động viên mình thà mồ hôi rơi trên trang vở chứ không để nước mắt đổ ở phòng thi. Nhưng dù cố gắng thế nào, cháu vẫn để nước mắt rơi vì đề thi quá khó".

Đó chẳng phải những trăn trở của người học sinh đã bước vào kỳ thi một cách nghiêm túc bằng chính năng lực của bản thân hay sao?

Tôi thiết nghĩ, đây không phải là tâm sự riêng của một thí sinh mà là nỗi băn khoăn của hàng trăm nghìn thí sinh khác.

Đặc biệt là những thí sinh đến từ vùng núi phía Bắc. Trên những nơi địa hình hiểm trở, mọi điều kiện đều khó khăn, tôi trân trọng những bạn trẻ háo hức say mê đi tìm con chữ, khát khao đến trường, thật tâm dồn trí lực mong đến ngày vinh quy.

Cá nhân tôi cho rằng, không thể chỉ vì một vết nhơ mà phủ định sạch trơn thành tích của những cá nhân xứng đáng.

Cần có sự ghi nhận sự cố gắng và thành quả học tập hết mình của các sĩ tử chân chính. Chỉ vì sự xuất hiện của một vài cá nhân có lòng tham mà dư luận có thể “đoán già đoán non” sau đó đánh đồng tất cả, trong khi đa số thí sinh đều thi bằng thực lực, đó chẳng phải là một sự bất công sao?

Hơn nữa, thủ phạm gian lận thi cử ở những địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình không phải các em. Đó là những người làm trong ngành Giáo dục, hiểu rõ quy định, ngang nhiên thách thức pháp luật.

Khi lên án, liệu dư luận có bao giờ nghĩ đến những tâm lý tiêu cực đang dồn vào từng thủ khoa thực chất hay chưa?

Tôi nhớ có một em học sinh ở Hà Giang từng trả lời truyền thông rằng, em sợ sau khi lên Hà Nội học sẽ bị kỳ thị.

Không nên gieo vào suy nghĩ non nớt của các em sự sợ hãi và lo lắng. Hãy dừng lại sự tò mò, soi mói và phán xét thủ khoa.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/la-thu-khoa-ha-giang-son-la-hoa-binh-thi-sao-a381196.html