'Lá thư cuối' - lời tạm biệt dịu dàng

'Lá thư cuối' của tác giả Iwai Shunji viết năm 2018 được xem là lời hồi đáp cho tác phẩm 'Thư tình' ra đời hơn 20 năm trước.

Lấy chủ đề về những lá thư tay, cuốn tiểu thuyết Lá thư cuối của Iwai Shunji tràn ngập cảm giác hoài niệm và sự u buồn. Đồng thời, đây cũng là câu chuyện đẹp về sự kết nối thân mật giữa con người với nhau.

Câu chuyện bắt đầu khi Kishibeno Yuri đến buổi họp mặt bạn học cũ của chị gái Misaki để thông báo rằng chị đã mất. Tuy nhiên, do ngoại hình giống nhau, cô bị nhận nhầm là Misaki. Quá bối rối, Yuri không thể kể với những người bạn học câu chuyện thật sự.

 Sách Lá thư cuối. Nguồn ảnh: Nhã Nam.

Sách Lá thư cuối. Nguồn ảnh: Nhã Nam.

Cũng tại đây, cô gặp lại mối tình đầu Otosaka Kiyoshi, trong khi anh cũng nhầm cô là Misaki. Không thể đính chính, Yuri trao đổi thông tin liên lạc cùng Kiyoshiro với tư cách là Misaki. Một ngày nọ, cô nhận được lá thư của anh với câu hỏi: “Em có tin rằng tôi mãi mãi yêu em?”.

Bắt đầu từ những lá thư trao đổi của hiện tại, những câu chuyện buồn vui một thuở trong quá khứ lần lượt được hé mở.

Ngày ấy, khi cả ba người đều đang ở độ tuổi trung học, Kiyoshi đã luôn thầm yêu Misaki - cô gái xinh xắn, thông minh. Nhưng Kiyoshi mãi không thể có cơ hội bày tình cảm. Trong khi đó, cô em gái Yuri lại cất giữ bóng hình chàng Kiyoshi trong trái tim.

Họ đều không thể cất lên tiếng nói để giãi bày lòng mình. Họ chỉ có thể mượn những lá thư, trao gửi tâm tư cho nhau.

Từ trong những lá thư ấy, hình ảnh của mỗi người đều lần lượt hiện diện. Tuổi trẻ, niềm vui, nỗi buồn, mất mát và đến cả cái chết cũng đều đã trải qua. Ai cũng có những lựa chọn trưởng thành của riêng mình.

Cô gái ngày xưa tưởng rằng có tương lai rộng mở, có hạnh phúc trọn vẹn lại buộc phải từ bỏ cuộc sống, từ bỏ những người thân yêu để ra đi. Cái chết của cô đã gieo vào lòng người ở lại những nỗi đau khó hàn gắn.

Mỗi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đều mang trong lòng mình những nỗi niềm riêng. Mỗi người có một cách khác nhau để đối diện với quá khứ. Nhưng sau cùng, mỗi họ đều nhận ra rằng, chúng ta không cần phải quên quá khứ để sống tiếp.

Bộ phim Lá thư cuối của Nhật Bản, sản xuất năm 2020. Ảnh: Scmp.

Quá khứ có thể khép lại, nhưng những cảm xúc của thuở ấy, là một phần tâm hồn, một phần sự sống của chính mình. Bởi thế, nhớ về quá khứ cũng là cách để bước tiếp cuộc hành trình trong đời.

Như cách Kiyoshi đem tất cả kỷ niệm về người con gái anh yêu để viết nên cuốn tiểu thuyết dành tặng cô. Nó giống như lá thư cuối cùng, anh gửi lên thiên đàng cho cô. Nó gửi gắm tâm tư và nỗi thương nhớ của anh. Nó cũng là lời cầu chúc cho sự bình an của cô.

Một cuốn sách đẹp đẽ và tinh tế. Lá thư cuối như một bản tình ca, thấm đẫm nỗi buồn nhưng cũng vô cùng ngọt ngào. Nó là dư vị của mối tình đầu, là lời thì thầm của lòng yêu mến cuộc sống, là lời chào dịu dàng sau cuối.

Cuốn tiểu thuyết đã được chính tác giả, đạo diễn Iwai Shunji chuyển thể thành hai phiên bản phim. Bản phim Trung Quốc được thực hiện năm 2018 có tựa đề Chào em, Chi Hoa. Bản phim Nhật Bản được thực hiện năm 2020 với tựa đề Lá thư cuối.

Thủy Thủy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/la-thu-cuoi-loi-tam-biet-diu-dang-post1179076.html