Lá thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Lá thư chỉ vài trăm từ nhưng từng câu, từng chữ đều nêu bật lên sứ mệnh của Báo cũng như ngành Tư pháp; thể hiện những kỳ vọng mong muốn của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi gắm vào tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam) nói riêng và ngành Tư pháp nói chung. Đó là lá thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi báo Pháp luật và ngành Tư pháp nhân dịp Xuân Canh Thìn 2000.

1. Tháng 9/1998, Báo Pháp luật lần đầu tiên tiếp nhận 9 phóng viên sau 13 năm hình thành và phát triển. Nói “lần đầu tiên” bởi trước đó, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo đều được Bộ Tư pháp điều chuyển từ các đơn vị chức năng của Báo.

Đó là ngày 15/9/1998. Ngay ngày hôm sau, Bí thư Chi bộ của Báo Trịnh Đức Tiến đã thông báo danh sách đảng viên của Báo đi học Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trong đó có 2 đảng viên mới tiếp nhận trong số 9 phóng viên mới được tuyển dụng. Tổng số đảng viên của Báo khi đó (năm 1998) có 13 người.

Tôi còn nhớ mãi cảm xúc đó bởi vừa “chân ướt chân ráo” vào Báo, đã bắt đầu bắt vào guồng hoạt động của Báo, không như trước đó ở một số tờ báo chỉ có đi và viết. Đây cũng là lần đầu tiên sau khi được kết nạp Đảng trong trường, tôi được đi học Nghị quyết. Khoảng 1 tháng sau, trong số 9 phóng viên mới, tôi được Báo cử đi viết về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X (từ ngày 28/10-2/12/1998).

Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên khi lần đầu đặt chân vào Hội trường Ba Đình. Ngày đầu tiên coi như không làm được gì, chỉ là đi xung quanh quan sát, xem các phóng viên tác nghiệp ra sao, phỏng vấn như thế nào… (Khi đó còn là báo tuần nên không áp lực phải viết bài ngay - NV). Sau đó bắt đầu phỏng vấn “hội đồng” hoặc tìm đại biểu phỏng vấn theo chủ để Ban Biên tập yêu cầu.

Không khó khăn như bây giờ nhưng mỗi khi phóng viên tiếp cận các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, luôn có bảo vệ, thư ký xung quanh và sẵn sàng can thiệp nếu phỏng vấn quá lâu hay đeo bám. Sau những lần như vậy, tôi đã quen mặt và biết rõ thư ký nào của lãnh đạo nào. Biết và cũng chỉ nói chuyện bâng quơ rồi lấy số điện thoại bởi chỉ nghĩ đơn giản biết đâu có lúc cần.

Kỳ họp kết thúc. Sau đó Ban Biên tập giao nhiệm vụ phỏng vấn lãnh đạo cho số báo Tết. Lúc đó, số điện thoại thư ký của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là điều tôi nhớ đến đầu tiên. Tôi cấp tốc soạn công văn nội dung phỏng vấn. Đích thân Trưởng ban Thư ký Đào Văn Hội (nay là Tổng Biên tập) đã sửa, duyệt công văn và chỉ đạo đánh máy.

 Công văn đề nghị phỏng vấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Công văn đề nghị phỏng vấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Tôi còn nhớ, khi đó tôi đã có cuộc hẹn với thư ký của Tổng Bí thư tại ngã tư đường Nguyễn Cảnh Chân giao cắt Phan Đình Phùng. Nhưng sau đó bài phỏng vấn đã không thực hiện được do thời gian quá gấp gáp.

2. Rút kinh nghiệm cho năm sau, Báo đặt ra nhiệm vụ từ đầu kỳ họp Quốc hội cuối năm, là có bài phỏng vấn Tổng Bí thư, hoặc có thư của Tổng Bí thư cho số Tết Canh Thìn năm 2000, năm Báo kỷ niệm 15 năm thành lập.

Đã có kinh nghiệm của hai lần đi Quốc hội, lần này mọi việc suôn sẻ hơn. Khi đó phóng viên khá dễ dàng tiếp cận đại biểu Quốc hội, thậm chí được đại biểu mời nước tại căng tin trong giờ giải lao. Cũng vì “thân” với bảo vệ, thư ký của Tổng Bí thư nên việc tiếp cận, nói chuyện cũng khá dễ dàng hơn. Tôi cũng đặt vấn đề cho số báo Tết và được nhận lời.

Nhà báo Thanh Lan (thứ 2 từ trái sang) phỏng vấn Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa năm 2002.

Qua bảo vệ của Tổng Bí thư, yêu cầu phỏng vấn đã được chuyển cho trợ lý Tổng Bí thư. Điện thoại qua lại hối thúc. Và rồi ngay trước giờ báo Tết ra nhà in, tôi đã cầm được lá thư với dấu đỏ chót của Văn phòng Trung ương Đảng, phi như bay về Tòa soạn trong niềm vui vỡ òa.

Lá thư chỉ vài trăm từ nhưng từng câu, từng chữ đều nêu bật lên sứ mệnh của Báo cũng như ngành Tư pháp; thể hiện những kỳ vọng mong muốn của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi gắm vào tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam) nói riêng và ngành Tư pháp nói chung.

Và sau 20 năm, những chỉ đạo, dặn dò của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn còn nguyên giá trị với cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng, cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp nói chung.

Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đăng trên Báo Pháp luật Xuân Canh Thìn 2000.

Nội dung lá thư như sau:

“Thân gửi Báo Pháp luật!

Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm rất nặng nề và cao quý: Giữ nghiêm phép nước.

Phép nước nghiêm minh thì thế nước vững chãi.

Xuân mới, tôi chúc Báo Pháp luật thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong cơ quan và Đảng bộ của mình, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, đấu tranh để thực hiện nghĩa vụ của ngành Tư pháp đối với dân, với nước.

Năm 2000 là năm kỷ cương.

Cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp là những người gương mẫu về kỷ cương. Đó là đòi hỏi nghiêm khắc và nguyện vọng của đồng bào và nước ta.

Lê Khả Phiêu

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”

Ngay trong năm đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về lá thư của Tổng Bí thư và phát động cuộc vận động học tập làm theo những lời căn dặn của Tổng Bí thư trong toàn ngành.

Thanh Lan (Phó Trưởng ban Kinh tế - Báo PLVN)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/la-thu-cua-tong-bi-thu-le-kha-phieu-528425.html