Lạ, quen suối hoa nơi đất Phật

Tấp nập trên bến, dưới thuyền ngày vào hội, bảng lảng sương khói nơi đất Phật - khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) đã làm xúc động bao tao nhân mặc khách... Dù đến lần đầu hay dịp trở lại, chắc chắn không ai có thể thờ ơ với núi rừng, suối hoa... lối dẫn tới động đẹp bậc nhất trời Nam nơi đây.

Mùa hoa súng trên suối Yến - chùa Hương thu hút nhiều người đến chụp ảnh, tham quan. Ảnh: Khuê Diệp

Mùa hoa súng trên suối Yến - chùa Hương thu hút nhiều người đến chụp ảnh, tham quan. Ảnh: Khuê Diệp

Suối hoa...

Chúng tôi đến với mùa hoa súng bên dòng suối Yến không phải chính vụ, cảnh người đến chụp ảnh cũng không còn đông như cách đây cả tháng, nhưng bù lại không khí bảng lảng của những ngày đầu đông và những bông súng vẫn âm thầm tim tím, hé nở như chiều lòng du khách.

Cô Nguyễn Thị Thanh - chủ một vùng hoa súng bên dòng suối Yến chia sẻ: Hoa súng nở quanh năm nhưng đẹp nhất là vào tháng 8, 9, 10, 11 hằng năm. Ngay cả tháng 12, những ngày đầu đông khi cái lạnh đã ngấm vào từng thớ đất, từng vách núi thì những bông súng nhỏ bé vẫn lặng lẽ tím bên dòng suối. Hoa súng nở rải rác khắp dòng suối Yến dài 4km, nhưng đẹp hơn cả vẫn là những vùng hoa súng do nông dân trồng. Để có những mảng hoa súng đẹp, người dân vùng này phải trồng, chăm sóc… như các loại hoa khác. Mỗi năm, hoa súng chỉ đẹp nhất vào độ vài tháng cuối năm - đây cũng là thời điểm vui nhất của người trồng hoa ở suối Yến...

Đến suối Yến vào những tháng cuối năm, sự ồn ào, náo nhiệt dường như biến mất, thay vào đó là không gian tĩnh lặng, thanh bình. Dịp cuối tuần, du khách đến đây đông hơn nhưng vẫn có thể dễ dàng tìm được những không gian riêng khi dạo thuyền, ngắm cảnh...

Chị Lại Thu Giang ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - một du khách tới chùa Hương, chia sẻ: “Tôi thích về chùa Hương vào mùa này để được cảm nhận không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp và nếp sống giản dị, bình yên. Thuyền đò vắng người, không có cảnh chen lấn, xô đẩy, chờ đợi... Những chiếc thuyền chở khách chầm chậm lướt đi trên dòng suối, khua nước và chạm vào những bông súng vươn trên mặt nước. Lúc này, Yến Vỹ trở nên bình yên như miền cổ tích. Khung cảnh tĩnh lặng rất hợp với những chuyến đi giải tỏa căng thẳng, áp lực".

Cũng theo chị Giang, thời điểm chụp hoa đẹp nhất là từ 6 đến 8h sáng, khi hoa nở bung, mặt nước còn hơi sương và nắng chưa quá gắt. Song, nếu đến vào một ngày cuối thu, đầu đông, nắng đã nhạt, thì tới 11h trưa, hoa súng vẫn e ấp, hé nở chiều khách phương xa. Hoa súng ở đây không nở thành cụm chen chúc nhau, mà rải rác, điểm xuyết, lững lờ trên mặt nước khiến khắp dòng suối đâu đâu cũng thấp thoáng dáng hoa.

... mở hướng làm giàu

Đằng sau những bông súng lung linh là bao nhọc nhằn, vất vả cùng niềm vui của nông dân khi hoa không chỉ làm đẹp thêm khung cảnh sơn khê, mang niềm vui cho du khách mà còn tạo việc làm, thêm thu nhập cho người dân. Nắm bắt nhu cầu ngày càng nhiều của du khách, các hộ dân sinh sống hai bên bờ suối bắt đầu cung cấp một số dịch vụ như: Bán hoa, cho thuê thuyền đò, trang phục, giải khát, ăn uống…

Nhiều nhà còn dựng cầu tre, trồng thêm các loại hoa khác cho phong phú, tạo góc ảnh đẹp. Vào dịp cuối tuần, mỗi ngày, suối Yến đón khoảng 300-400 khách đến thuê đò dạo chơi, vãng cảnh. Với mức giá vào ngắm hoa, chụp ảnh chỉ mất phí 50.000 đồng/thuyền và 5.000 đồng/bông súng mang về nhà, khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã: Gà đồi, cá quả nướng, canh rau sắng và các đặc sản từ cây hoa súng như nộm hoa súng, canh chua hoa súng…

Với vẻ hiền hậu, chất phác, bác Phạm Văn Hùng ở thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn) kể: "4 năm trước đây, bên dòng suối Yến, bà con tận dụng cấy lúa một năm 2 vụ, nhưng rồi ốc bươu vàng, chuột… phá, thu lợi không nhiều nên nhiều diện tích bỏ hoang; chỉ có một loài duy nhất là hoa súng cứ lặng lẽ nở tím quanh năm. Lúc đầu người dân chỉ hái một vài chục bông bán cho khách du lịch; thấy khách thích thú, thậm chí, dần dần có nhiều người đến chụp ảnh hoa súng, vợ chồng tôi bàn với nhau, thay vì trồng lúa, trồng sen, gia đình chuyển một phần diện tích sang trồng hoa súng, nuôi gà, vịt, trồng rau sạch...

Từ đó, khi đến chụp ảnh với hoa súng, nhiều người đặt đồ ăn ngay tại chỗ, gia đình không thu phí vào chụp ảnh hoa mà chỉ bán hoa cho du khách với giá 5.000 đồng/bông. Lời lãi không nhiều, nhưng với đầm hoa súng nho nhỏ vài sào của gia đình cùng một số gia đình lân cận, đã giúp nhiều nông sản của bà con trong vùng (rau, củ quả, gà, ốc núi…) tiêu thụ dễ dàng hơn".

Dáng người nhanh nhẹn, nụ cười tươi trên môi, cô gái Bùi Thị Huệ ở thôn Yến Vỹ vừa giúp gia đình chuẩn bị bữa cơm cho khách với nhiều món đặc sản của núi rừng Hương Sơn như: Rau rừng, cá suối, gà, ốc núi hấp… vừa kiêm cả “hướng dẫn viên”, giúp du khách chọn những bông súng đẹp nhất, cách bài trí để chụp những bức hình ưng ý nhất.

“Chẳng bao giờ em nghĩ mình là “hướng dẫn viên du lịch”, khách đến, mình chân thành giới thiệu cảnh đẹp, hướng dẫn du khách lần đầu đến chụp… dần dần thành quen. Hơn nữa, giờ đây, người dân thường xuyên được chính quyền địa phương đào tạo, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách nên ai đến đây cũng rất hài lòng” - Huệ chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, Chùa Hương là cách mà dân gian vẫn quen gọi để nói chung về quần thể thắng cảnh, di tích văn hóa, tín ngưỡng, bao gồm hàng chục di tích chùa, đền nằm giữa vùng núi non, sông nước thuộc xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).

Từ bến Đục, khách lên thuyền bồng bềnh trên dòng suối Yến để vào bến Thiên Trù, thỉnh thoảng gặp nhánh rẽ tỏa ra hướng về phía chân núi. Không gian suối Yến bốn mùa nở hoa: Tháng ba hoa gạo đỏ rực trên những sườn núi, tháng sáu sen hồng thơm ngát mặt nước, tháng mười hoa súng nhuộm tím những buổi bình minh...

“Cùng với cảnh đẹp vốn có của danh thắng Hương Sơn và vài héc ta hoa súng, bà con vùng này có thêm việc làm vào ngày nông nhàn, những tháng không chính hội. Tuy nhiên, để mô hình trồng hoa súng phục vụ khách du lịch đến chụp ảnh hiệu quả hơn... có lẽ phải có sự đầu tư nhiều hơn. Chúng tôi vẫn mong có một doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn bà con hoặc đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái, homestay chuyên nghiệp... để bà con có thu nhập cao và bền vững hơn” - Anh Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/922413/la-quen-suoi-hoa-noi-dat-phat