'Lá phổi' của Sài Gòn

Cách trung tâm TP HCM chừng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP giáp biển với chiều dài 23 km. Huyện rộng hơn 700 km2, trong đó 70% rừng ngập mặn (RNM) và sông rạch.

Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Rừng ngập mặn Cần Giờ.

RNM Cần Giờ (còn có tên rừng Sác, do người Nam Bộ gọi cây mắm là cây sác) là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn nằm ở cửa ngõ Đông Nam TP HCM, diện tích gần 76 ngàn ha, trong đó vùng lõi hơn 4,7 ngàn ha, vùng đệm 41 ha và vùng chuyển tiếp gần 30 ngàn ha.

Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng, RNM Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa thời tiết, cũng là nơi cung cấp nhiều loài thủy hải sản quý giá, được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một đặc trưng khác của biển Cần Giờ, là cát đen, biển bùn. Cũng là biển, nhưng không có “biển xanh, cát trắng nắng vàng” như biển Vũng Tàu, Nha Trang hay những bãi biển miền Trung. Với hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, RNM vừa bị tác động của sông và biển.

Hàng năm, RNM nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai cùng ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều và “tập đoàn” cây mắm cùng sú, vẹt, đước, ô rô, chà là… lấn biển trên những vùng bùn lỏng chưa ổn định ở các bãi bồi cửa sông ven biển. Cây mắm, cây đước đi trước. Khi đất bùn được cố định, nước nhạt dần, cây dừa nước phát triển sau cùng trong đoàn quân lấn biển.

Vì vậy, xưa nay, biển Cần Giờ có thể tắm, nhưng chỉ là tắm chơi chơi. Và rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại đây, trong đó hẳn dư luận còn nhớ cả một đoàn học sinh từ Bình Dương đã bỏ mạng vì sụt chân những hố cát lỏng.

Bao nhiêu năm qua, huyện đảo Cần Giờ đã êm đềm, thậm chí là im lìm, với vai trò “lá phổi xanh” của khu vực, khu dự trữ sinh quyền thế giới. Huyện đảo là những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, tạo nên cảnh quan mát mắt và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.

RNM Cần Giờ được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở Việt Nam và trên thế giới. Các nhà khoa học lâm nghiệp khôi phục hệ sinh thái RNM Cần Giờ trở về trạng thái tự nhiên đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2005.

Có điều người dân ở Cần Giờ vẫn chưa giàu. Sau hàng chục năm, du khách có trở lại, vẫn chỉ thấy con đường tẻ nhạt chạy hun hút hàng chục cây giữa những cánh rừng. Vẫn chỉ có trò vào xem đàn khỉ lộn xộn nhảy nhót, bắt chấy rận cho nhau chừng mươi phút là chán.

Cây cầu nối từ TP HCM sang huyện đảo bao năm xây vẫn chưa xong, người qua lại vẫn phải chịu cảnh “qua sông thì phải lụy đò”. Nhịp sống ở Cần Giờ vẫn chầm chậm, đìu hiu như vùng tỉnh lẻ thôn quê nào đó thế kỷ trước.

Hơn 20 năm trước đã từng có những ý tưởng xây dựng vùng biển duy nhất của TP HCM thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch có tầm cỡ khu vực. Nhưng ý tưởng đó mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng; vì ngoài căn cứ Cần Giờ có đủ biển, rừng, núi và cả đảo; nhưng với vai trò là “lá phổi” xanh của TP, là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc điểm bờ biển không phù hợp cho tắm biển; thì tương lai có thể là khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hay không và đô thị mọc lên có ảnh hưởng đặc trưng tự nhiên hay không?

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/la-phoi-cua-sai-gon-d152483.html