Là nếp sống văn minh đấy!

Mấy hôm gọi chú không thấy, sau mới biết chú về quê. Mà có việc gì mà dạo này chú về quê nhiều vậy?

- Em về dự mấy lễ bốc mộ. Nghĩa tử là nghĩa tận không về không được bác ạ.

- Đúng vậy. Vào dịp cuối năm, các gia đình, dòng họ thường tổ chức cải táng mộ phần, sửa sang lại mộ cũ, quy tập mồ mả đặt rải rác các nơi về một nghĩa trang gia đình dòng họ hoặc một nơi mới. Vào mùa mà lại.

- Nói chung, cải táng, sang cát, bốc mộ là một phong tục lâu đời, thể hiện cái tâm của người sống với người thân đã khuất, an tâm với niềm tin… họ không bỏ người thân trong đất ẩm, mà tặng họ một ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn hơn.

- Đạo nghĩa đúng là vậy, nhưng xem ra quanh chuyện bốc mộ cũng nhiều chuyện đáng bàn. Vừa rồi dự mấy lễ bốc mộ ở một huyện ngoại thành Hà Nội mà em thấy cũng rườm rà lắm.

- Có rườm rà cũng phải làm, để tỏ lòng thành kính của những người đang sống đối với người đã mất mà.

- Chuyện ấy thì khỏi phải bàn, nhưng lại có chuyện rườm rà vì những người đang sống mới đáng nói.

- Chú nói vậy tớ cũng hiểu. Vì thế thì nhiều lắm. Nhà có điều kiện, có chút “quan chức” cũng muốn hoành tráng một tý để “làm oai” thì cũng là lẽ thường tình. Chú còn lạ gì cái “bệnh sĩ”, “bệnh oai” của dân ta nữa.

- Cái đó cũng là đã đành, đằng này rềnh rang rườm rà vì phong trào vì “lệ” mới cần bàn.

- Chú cụ thể xem nào.

- Bác biết rồi đấy. Tiếng là đời sống còn khó khăn, song chuyện hiếu, chuyện hỷ ở các vùng quê còn rình rang lắm. Đám nào ít nhất cũng cỗ bàn 3 ngày: Ngày đầu căng rạp, ngày hai chính việc và ngày ba dỡ rạp.

- Vận động xây dựng nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay đã “phát” từ lâu, nhưng chưa có chế tài cụ thể nào ngăn chặn nên cũng khó thực hiện. Thành ra nhà này làm thế, nhà kia cũng phải thế. Nếu không lại bị chê cười.

- Ấy vậy nhưng đám hiếu tổ chức 3 ngày đã đành, chứ đám bôc mộ cũng rềnh rang 3 ngày thì thật đúng là “hủ tục”.

- Biết làm sao được. Ở nhiều nơi coi việc bốc mộ như tổ chức đám hiếu lần thứ hai. Lệ nó đã thế không tổ chức không được.

- Đúng là không làm không được thật. Tại một đám bốc mộ đã xong xuôi, em còn thấy gia chủ lên kế hoạch chuẩn bị 50 mâm cỗ cho hôm sau. Em có hỏi gia chủ rằng : “Sáng nay cụ đã về nhà mới mồ yên mả đẹp, sao không cỗ bàn gọn trong chiều nay cho xong mà phải kéo đến ngày mai”…

- Thế thì rềnh rang thật. Thế câu trả lời của gia chủ là gì hả chú?

- Anh trai trưởng rỉ tai em nói: “Ấy chết, nếu em làm như bác khuyên, thì ngày mai nhà em chả còn chơi được với ai trong làng xã nữa. Mời bữa cơm tạ ơn là phải vào buổi sáng cho đàng hoàng, không thể úi sùi được”.

- Đấy, lệ làng nó thế đấy. Có thế mới thấu được nỗi khổ của người “nhà quê”. Tiền thì ít, ăn cỗ thì nhiều. Lần trước về quê, gặp mấy ông bạn đồng niên, ông nào cũng than. Cuối năm hiếu, hỷ, giỗ chạp, mừng thọ…ăn cỗ triền miên. Mà đi ăn cỗ tay không sao được, vì thế cứ è cổ xoay tiền đi đám.

- Nhiều vị cũng tâm sự với em như thế. Thương mà chả biết vận động thế nào. Bác tính mỗi độ cuối năm cánh ta chỉ lo việc hỷ, việc hiếu mà đã “toát mồ hôi”, ở quê lại trăm thứ đám như vậy, đa số lương không có xoay tiền đi đám lại chả tướt bơ.

- Có lẽ rất cần rồi một cuộc cách mạng trong việc cưới hỏi, ma chay và bao nhiêu thứ đám, thứ hội khác ở quê, nếu không dân đã khổ sẽ còn khổ mãi với chuyện “trả nợ đám”.

- Tất nhiên là quá cần rồi, ai cũng biết vậy, nhưng khó thực hiện lắm. Cái “lệ” nhiều khi to hơn cái “luật”. Thôi thì ta thử bàn riêng cái chuyện bốc mộ xem thế nào.

- Đấy, việc chính em muốn bàn với bác đó. Mấy năm gần đây em thấy phong trào “hỏa táng” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở nhiều vùng quê đã có nhiều gia đình “hỏa táng” người thân khi mất, rất văn minh gọn nhẹ.

- Vậy tại sao một việc làm văn minh gọn nhẹ như thế vẫn chưa được thực hiện đại trà? Hỏa táng có phải vừa tiện lợi, vừa khỏi phải rềnh rang chuyện bốc mộ không.

- Chủ yếu vẫn do tập quán, nhiều người cho rằng hỏa táng là không kính quý, thương xót người thân đã mất, thân thể bị đốt cháy sẽ khổ sở lắm. Ở thành phố thực hiện hỏa táng nhiều hơn, song chưa hẳn vì thấm hết những ưu điểm của hỏa táng mà vì không hỏa táng cũng không có đất để chôn. Còn ở quê, mỗi làng đều có nghĩa trang với những bờ sôi ruộng mật tha hồ chôn cất, vì thế chuyện hỏa táng càng khó thực hiện.

- Hiện nay, nước ta tại nhiều thành phố, nhiều tỉnh đã có những “lò hỏa táng” hiện đại, tớ thấy rất thuận tiện. Thực hiện hỏa táng đơn giản mà vẫn giữ được phần tro cốt của người mất, lại đảm bảo môi trường.

- Đấy ý nghĩa của hỏa táng còn ở anh môi trường nữa. Không hỏa táng mà chôn cất, quá trình phân hủy chất hữu cơ tác động không ít vào đất, nước hay môi trường sống nói chung. Sự ảnh hưởng này không được nhìn thấy bằng mắt thường trong thời gian ngắn mà ngấm ngầm tác động lâu dài vào sinh hoạt, sức khỏe, đời sống người dân.

- Đúng vậy.Trên thực tế, việc lập mộ xen lẫn vào các khu dân sinh vẫn được thực hiện, hoặc do quá trình quy hoạch bất hợp lý khiến nhà dân chen chúc vào các khu huyệt mộ, gây áp lực không nhỏ đến đời sống lẫn tinh thần người dân tại đây.

- Với những lợi ích của hỏa táng và giản đơn sự rềnh rang trong việc bốc mộ, em nghĩ cần phải tích cực tuyên truyền việc hỏa táng hơn nữa.

- Đó cũng là nếp sống văn minh đấy.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/la-nep-song-van-minh-day-83354.html