Lạ lùng vụ kiện thay đổi người nuôi con

Viện dẫn quy định về phụng dưỡng cha mẹ rồi thay đổi người trực tiếp nuôi con (con gái chưa đủ tuổi trưởng thành) là phán quyết trái Luật Hôn nhân gia đình lẫn Luật Trẻ em

Sau gần 1 năm thụ lý giải quyết, TAND TP HCM vừa quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm vụ án "Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" giữa nguyên đơn là ông Đặng Hanh Trung (61 tuổi; ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) với bị đơn là bà Trần Thanh Hải (46 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM). Nguyên nhân tòa phúc thẩm đưa ra là: "Do tình trạng sức khỏe mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa". Thời gian xét xử lại sẽ thông báo sau.

Bắt trẻ em phụng dưỡng cha già?

Bản án sơ thẩm vụ án trên do cựu Phó Chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam (hiện bị VKSND TP HCM truy tố về tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác") làm chủ tọa phiên tòa ký ban hành và vướng kháng nghị từ VKSND cùng cấp.

Theo hồ sơ, nguyên đơn khởi kiện đòi lại quyền nuôi dưỡng 2 con gái (SN 2005 và 2008) sau nhiều năm ly hôn. Ông Trung trình bày tòa án quyết định bà Hải có quyền trực tiếp nuôi dưỡng 2 con gái nhưng sau đó, bà Hải gây khó dễ khi ông thăm con, thường nói xấu ông trước mặt các con… Hơn nữa, bà Hải có con riêng nên không thể chăm sóc, giáo dục tốt cùng lúc 3 người con. Ông Trung khẳng định có đầy đủ điều kiện nuôi dưỡng 2 con gái.

Các con của bà Trần Thanh Hải hiện sống ổn định bên mẹ. (Ảnh trong hồ sơ vụ kiện)

Các con của bà Trần Thanh Hải hiện sống ổn định bên mẹ. (Ảnh trong hồ sơ vụ kiện)

Trái lại, bị đơn không chấp nhận yêu cầu ông Trung đưa ra. Bà Hải trình bày: "Tôi không thể giao 2 con gái đang tuổi dậy thì cho cha chăm sóc, giáo dục".

Tại tất cả các buổi làm việc cùng bản tự khai, 2 bé gái đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục chung sống với mẹ ở TP HCM. Xử sơ thẩm năm 2019, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, giao nguyên đơn nuôi dưỡng con gái SN 2008 vì ông Trung tuổi cao, sống cô đơn một mình nên nhu cầu tình cảm cha con, gia đình là có thật. Con cái chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp thể hiện trong Luật Hôn nhân gia đình. Bị đơn là mẹ đơn thân nuôi 3 con, dù có điều kiện kinh tế nhưng bà sẽ vất vả, không bảo đảm chăm sóc các con.

Phán quyết "giẫm" quyền trẻ em

Ngay sau đó, VKSND quận 4 lập tức kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo nội dung kháng nghị, suốt quá trình giải quyết vụ việc, nguyên đơn không đưa ra bằng chứng chứng minh lời khai ông cung cấp. Tương tự, cơ quan công tố không thấy nguyên đơn chỉ ra chi tiết thể hiện việc 2 trẻ bị hạn chế quyền trẻ em, cần người chăm sóc thay thế. Thực tế, 2 cháu bé đang ở tuổi dậy thì, sống ổn định với mẹ. Như vậy, tình huống đột ngột thay đổi môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý 2 trẻ. Đây là điều hết sức nhạy cảm, nên hạn chế ở mức tối đa.

Ngoài ra, nguyên đơn tự nhận thấy bản thân lớn tuổi, không đủ sức khỏe và cần con cái chăm sóc. Điều này chứng tỏ người cha không có khả năng chăm sóc con tốt bằng người mẹ. Mặt khác, 2 bé là trẻ em (dưới 16 tuổi). Vì vậy, bổn phận con cái mà tòa án viện dẫn làm căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện còn cần phù hợp với điều chỉnh trong Luật Trẻ em, chứ không chỉ áp dụng Luật Hôn nhân gia đình như HĐXX sơ thẩm nhận định. VKSND quận 4 nêu rõ bổn phận trẻ em đối với gia đình là "rèn luyện, học tập, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em". Từ đó, VKSND quận 4 kết luận tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến điều kiện sống, học tập cũng như nhu cầu tình cảm của trẻ khi phán quyết. Quyết định trên trái với quy định trong Luật Hôn nhân gia đình lẫn Luật Trẻ em hiện hành.

Từ những lẽ trên, cơ quan công tố kháng nghị phúc thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu mà người cha đưa ra.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/la-lung-vu-kien-thay-doi-nguoi-nuoi-con-20201111212915894.htm