Lá lách cứng như đá vì nhiễm sán lợn

Cô gái họ Hà, ngụ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, mắc phải căn bệnh nhiễm sán hiếm gặp. Những nang sán lợn chi chít trong lá lách khiến bác sĩ phải cắt bỏ cơ quan này.

Theo Sohu, cô gái Hà Lợi Lợi (28 tuổi) từ nhỏ lớn lên ở thành phố, hầu như không tiếp xúc với gia súc, gia cầm nhưng nhiễm sán nghiêm trọng.

Khoảng tháng 5, cơ thể cô gái bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ như đau bụng âm ỉ, đôi khi đau quặn, người mệt mỏi. Đi khám bệnh nhiều nơi nhưng không ra kết quả chính xác, Hà tìm đến GS Lý Bỉnh Lộ, khoa Ngoại, Bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh khám.

Qua phim chụp cắt lớp, ông nhận thấy lá lách của Hà có dấu hiệu lạ. Thông thường, những tạng rỗng khi lên phim sẽ có màu đen, tạng đặc sẽ có màu trắng. Lá lách là tạng rỗng nhưng lại có màu trắng rất rõ ràng và bằng mắt thường có thể thấy toàn bộ lá lách là những hạt vôi hóa hoặc sỏi cứng.

Đối với GS Lý, đây là trường hợp đầu tiên ông gặp có biểu hiện lâm sàng như vậy, nó không giống khối ung thư, không phải nhiễm trùng hay ổ hoại tử. Ông quyết định tiến hành phẫu thuật lá lách để có hướng điều trị chính xác.

Lá lách của Hà Lợi Lợi trên phim chụp CT. Ảnh: Sohu.

Lá lách của Hà Lợi Lợi trên phim chụp CT. Ảnh: Sohu.

Sau khi mở ổ bụng và để lộ lá lách, bác sĩ cho biết nhìn vẻ bề ngoài màu sắc có vẻ bình thường nhưng khi sờ vào lại cứng như đá. Bác sĩ cảm nhận được rất rõ ràng bên trong có nhiều hạt cứng, lổn nhổn. Xét về mặt sinh lý, lá lách của bệnh nhân đã mất chức năng nên chỉ có thể cắt bỏ toàn bộ, đề phòng di chứng có thể để lại nếu không điều trị triệt để.

Bên trong lá lách của bệnh nhân là các hạt dày đặc, những mạch máu nhỏ bao quanh. Sau khi có kết quả xét nghiệm, những hạt cứng này là nang của một loài sán lợn. Thêm nữa, máu của Hà Lợi Lợi dương tính với kháng thể IgG, cũng có nghĩa trong cơ thể cô vẫn còn những con sán còn sống hoặc nang sán sống.

Nguyên nhân dẫn đến vôi hóa được cho là trong chu trình phát triển của sán, chúng không phát triển bình thường mà chết đi. Chúng không thể bị đào thải ra ngoài cơ thể nên lâu dần bị vôi hóa. Nếu không can thiệp kịp thời, lá lách có thể tiến triển thành ung thư hoặc ổ hoại tử nguy hiểm. Hà Lợi Lợi sau khi bình phục được chuyển đến khoa Truyền nhiễm để điều trị sán lợn.

Qua trường hợp này, GS Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ăn uống vệ sinh và đặc biệt chú ý chỉ ăn thịt lợn khi đã chín. Sán lợn có thể tồn tại trong thịt sống, thịt tái, tiết canh, các món ăn đường phố, gỏi sống.

Diên Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/la-lach-cung-nhu-da-vi-nhiem-san-lon-post1018120.html