La La Land chiến thắng tại Oscar sẽ là thảm họa cho Hollywood

'Đề cử nặng ký nhất cho giải Oscars năm nay là một bộ phim giả tạo. Chọc ngón tay qua lớp kem đầy đường phía trên và bạn sẽ không tìm thấy phần bánh nào bên dưới - vô cảm, vô hồn, không có niềm vui, không một chút ấm áp nào và không có bất kỳ điều tuyệt diệu nào', nhà phê bình David Cox nhận xét về 'La La Land' trên tờ The Guardian.

David Cox (68 tuổi) là một nhà văn và sản xuất chương trình truyền hình người Anh. Ông từng cộng tác với nhiều tờ báo uy tín như The New Statesman, Prospect, The Guardian, The Times, The Independent, The Daily Telegraph, The Observer, The Sunday Times, The Evening Standard và The First Post, chủ yếu xoay quanh chủ đề truyền thông, phim ảnh và môi trường. Bên cạnh đó, ông còn tham gia thực hiện nhiều chương trình cho đài ITV, BBC và Channel 4 với nội dung phản ánh thời cuộc và các sự kiện lịch sử.

Dưới đây là bài viết của David Cox được đăng tải trên tờ The Guardian vào ngày 23.2 với tựa gốc "Chiến thắng được dự báo trước của La La Land tại Oscar sẽ là thảm họa cho Hollywood - cho tất cả chúng ta".

Hiếm khi mới có một mùa trao giải Oscar nhạt nhẽo như năm nay. Nếu đặt cược La La Land chiến thắng hạng mục "Phim hay nhất" thì tỉ lệ cá kiếm của bạn sẽ là 9 ăn 2. Bộ phim ca nhạc này còn nắm giữ kỷ lục được đề cử nhiều nhất với 13 đề cử, ngang với All About Eve (1950) và Titanic (1997). Trước đó, La La Land đã kịp sở hữu 7 giải Quả Cầu Vàng và 5 giải BAFTA.

"La La Land" đã lập kỷ lục với 7 lần được xướng tên tại giải Quả Cầu Vàng 2017.

Có vẻ như tất cả các nhà phê bình nghệ thuật đều đã bị thuyết phục hoàn toàn. Tại Anh, những tờ The Sun, The Mirror, The Metro và thậm chí là The Guardian, The Times, Telegraph đều chấm 5 sao cho La La Land. Về phía khán giả cũng không khác gì. Với kinh phí vỏn vẹn 30 triệu USD, La La Land đã thu về doanh thu phòng vé cao gấp 10 lần. Trong một bối cảnh như vậy, chuyện La La Land vấp phải phản ứng trái chiều là không thể tránh khỏi. Kết quả, phong trào chỉ trích bộ phim này đã chính thức nổ ra trước thềm lễ trao giải Oscar.

Vai nam chính Sebastian do Ryan Gosling đóng đã bị nhận xét là "chán phèo" và "vô cảm". Sự thật anh là người da trắng đã không thể hiện được hết cái hồn của nhạc jazz trong phim. Cả nhân vật Sebastian và Mia do Emma Stone đóng đều bị gán mác "không có chiều sâu" cũng như thất bại trong việc phối hợp diễn xuất. Kĩ năng và giọng hát của cặp đôi này cũng bị cho là đã gây thất vọng.

Chưa hết, kịch bản của La La Land không hề thuyết phục. Tại sao Sebastian và Mia lại phải chia tay? Chuyện xa rời nhau một thời gian không thể nào chia cắt một mối quan hệ như thế này được. Và sau cùng là cái kết bất hợp lí. Ý nghĩa của nó là gì? Ngụ ý là Sebastian và Mia nên ở bên cạnh nhau nhưng lại đã không làm thế, để rồi hài lòng với con đường mà họ đã chọn?

Đạo diễn Damien Chazelle cùng Ryan Gosling và Emma Stone trong buổi công chiếu "La La Land"

Tựu chung, những người phản đối đã miêu tả La La Land bằng những từ ngữ như nhạt nhẽo, buồn tẻ, thiếu hài hước, không có sức sống... Tờ Salon nhận xét: "[La La Land] đại loại kiểu như nhạc kịch, kiểu như phim về jazz, kiểu như nói lên số phận những kẻ yếu thế". Còn tờ Observer thì nặng lời hơn: "Một bộ phim tầm trung đáng thất vọng".

Trên thực tế, tất cả những lời chỉ trích trên đều xuất phát từ một thiếu sót ẩn phía sau: Đề cử yêu thích nhất tại Oscar năm nay là một bộ phim giả tạo. Chọc ngón tay qua lớp kem đầy đường phía trên và bạn sẽ không tìm thấy phần bánh nào bên dưới - vô cảm, vô hồn, không có niềm vui, không một chút ấm áp và không có bất kỳ điều tuyệt diệu nào.

Nhằm tạo ra vẻ quyến rũ giả tạo, La La Land không chỉ tận dụng những nguồn lực vốn có mà còn cả những cái bẫy bên ngoài. Bộ phim đã dựa quá nhiều vào sức hút ngoại hình của 2 diễn viên chính cũng như hiệu ứng từ những lần hợp tác trước đây của họ. Đó là chưa tính đến yếu tố "giấc mơ Hollywood" cùng bối cảnh một California đầy nắng. Nói tóm lại, La La Land giống như một bộ phim "kí sinh" dựa trên thành công của những bộ phim hay hơn trong quá khứ.

Khi Ryan Gosling đu trên cột đèn, La La Land muốn bạn nhớ đến Singing in The Rain cũng như nhiều bộ phim kinh điển khác như West Side Story, Funny Face, The Young Girls of Rochefort, Shall We Dance The Umbrellas of Cherbourg. Nhà sản xuất muốn bạn tin rằng La La Land cũng đem lại niềm vui, sự hài hước, tấn bi kịch và nhân văn giống như các tuyệt phẩm kể trên. Nhưng sự thật là nó đã thất bại.

Hầu hết những bộ phim này thuộc thể loại tình cảm lãng mạn. Chúng đề cao tình yêu và cuộc sống còn La La Land thì nhấn mạnh điều ngược lại. Hai nhân vật chính không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở người còn lại. Cuộc tình của họ chỉ được thể hiện một cách sơ sài. Những khoảnh khắc yêu đương thì cứng ngắc.

Sebastian và Mia đến với nhau khi sự nghiệp của họ đang xuống dốc. Vậy mà khi họ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để cùng thành công trong sự nghiệp riêng thì cũng là lúc cả 2 chia tay chóng vánh như tên lửa được bắn ra từ bệ phóng.

Những đam mê mà 2 người lựa chọn để thay thế cho tình yêu không hề liên quan đến bất kỳ nghĩa vụ hay mục đích cao cả gì mà chỉ nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân. "Thành phố của những ngôi sao, phải chăng những ngôi sao ấy đang chiếu sáng chỉ vì tôi", lời bài hát City of Stars đã thể hiện rất rõ điểm này.

Khi Mia nhìn ra cửa sổ trông giống như cảnh Bogart và Bergman nhìn ra cửa sổ trong Casablanca, một bộ phim ca ngợi sự hi sinh cao cả cho tình yêu. Còn trong La La Land, tình yêu phải hi sinh ngược lại cho cái tôi của nhân vật chính. Có thể nói, Sebastian và Mia hoàn toàn vô cảm và không có một chút hài hước. Đó chính là điểm đặc trưng của những kẻ quá tự yêu bản thân mình. Họ không thể nào trở nên sâu sắc được.

Mia là một con số 0 tròn trĩnh bởi vì cô đã trở thành tù nhân cho chính tham vọng của mình. Sebastian tự xem mình là một anh hùng bảo vệ nghệ thuật nhưng anh trông giống như một kẻ lập dị hơn là một nhạc công chân chính. Đối với Sebastian, jazz chỉ là thứ nhằm giúp anh thỏa mãn tính tự phụ của bản thân. Những người đam mê nhạc jazz thực thụ cho rằng một kẻ theo chủ nghĩa thuần túy như Sebastian không hề giải cứu mà thực chất lại là nguyên nhân chính dẫn đến việc dòng nhạc này bị kìm hãm phát triển.

Tính cách này của 2 nhân vật còn được thể hiện qua nhiều chi tiết khác. Khi Sebastian đến nhà đón Mia, anh bấm còi xe inh ỏi thay vì bấm chuông. Mặc kệ hàng xóm bị phiền lòng, Sebastian mới là cái rốn của vũ trụ. Khi Mia tìm kiếm Sebastian trong rạp chiếu phim, cô đã đứng chắn ngay màn hình. Tất nhiên rồi, Mia mới là quan trọng nhất chứ không phải những khán giả đang ngồi trước mặt cô.

Bây giờ thì chúng ta đã có thể hiểu tại sao cặp đôi này chia tay. Vào đêm cuối ở bên nhau, họ thề nguyện sẽ yêu nhau suốt đời nhưng cũng cam kết sẽ theo đuổi giấc mơ riêng. Đối với họ, giấc mơ quan trọng hơn tình yêu. Cuối phim, Sebastian có vẻ hơi cô đơn và Mia có vẻ hơi buồn chán, nhưng chẳng sao cả. Bởi nụ cười ở đoạn kết đã chỉ ra rằng họ đã đạt được thứ quan trọng nhất: sự tự mãn.

Tuy nhiên, La La Land là một bộ phim phù hợp với thời thế. Chúng ta đều là những kẻ tự phô trương bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau như các trang mạng xã hội, selfie... Rất nhiều người trong chúng ta sẽ bất chấp mọi thứ để có thể giống như Sebastian và Mia ở cuối phim.

Để chuẩn bị cho bộ phim, Ryan Gosling đã học chơi piano cấp tốc trong 3 tháng. Nếu chỉ đơn giản như vậy, và không cần phải quá giỏi, tất cả chúng ta có thể tưởng tượng ra cảnh bản thân mình trong hình ảnh của Sebastian với bộ ảnh đăng trên Instagram nhằm phục vụ cho cái tôi của mình.

Không khó để hiểu tại sao thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật (AMPAS) đề cao La La Land. Bởi vì phần lớn trong số họ đã đi trên chính con đường mà Sebastian và Mia đã chọn. Nhìn thấy những lựa chọn bị trói buộc trong khuôn khổ nghề nghiệp của cuộc đời họ khiến cho họ cảm thấy an lòng đi phần nào. Trong khi đó, những bộ phim từng đoạt giải như Schindler’s List, Gandhi, Chariots of Fire, hay Titanic lại hướng đến mặt tốt của con người, thay vì xoáy vào những cái xấu như La La Land.

Tại Oscar 2017, có những bộ phim khác trong cùng hạng mục "Phim hay nhất" vẫn sẽ khiến chúng ta cảm thấy tự hào về loài người. Ví dụ như chủ đề tình yêu trong Moonlight, sự hối cải trong Manchester by the Sea, bí ẩn về sự sống trong Arrival, lòng vị tha trong Hacksaw Ridge. Bất kì bộ phim nào trong số này cũng xứng đáng giành chiến thắng hơn sự kết hợp lòe loẹt nhưng vô vị của đạo diễn Damien Chazelle.

Chiến thắng được dự báo trước của La La Land trong đêm trao giải Oscar sắp tới sẽ gửi đến cho chúng ta một thông điệp về thời đại hiện nay. Mặc dù vậy, đây sẽ không phải là thắng lợi cho các nhà làm phim, khán giả hay bộ môn nghệ thuật thứ 7 nói chung.

Mai Thảo (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/dien-anh-c-127/chien-thang-cua-la-la-land-tai-oscar-se-la-tham-hoa-cho-hollywood-57372.html