Lạ kỳ tục hát trong đám tang ở Sài Gòn

Khác với tiếng than khóc ai oán, tang thương ở những đám ma miền Bắc, đám ma ở Sài Gòn thuê người hát múa, đôi khi không khí còn vui vẻ, tưng bừng.

Đám ma là nghi lễ quan trọng nhất, cuối cùng trong cuộc đời một con người. Đám tang thường được diễn ra với những thủ tục quy định nghiêm ngặt, nhằm tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng, để họ được an lòng trên đường trở về với cát bụi.

Nếu như ở miền Bắc, tiếng than khóc nỉ non và điệu kèn đưa đám í e não nùng bao trùm các đám tang, thì ở Sài Gòn, không khí thật rộn ràng và có khi còn "vui hơn cả đám cưới".

Người chuyển giới hát trong đám ma ở Sài Gòn. (Ảnh: NLĐ)

Người chuyển giới hát trong đám ma ở Sài Gòn. (Ảnh: NLĐ)

(Ảnh: NLĐ)

Tục hát đám ma ở Sài Gòn quả là kỳ lạ, khi so sánh với hình ảnh ban nhạc thổi kèn, đánh trống rền rĩ, nỉ non như tiếng khóc ở các tỉnh miền Bắc. Những đám tang ở Sài Gòn chẳng có gì ai toán thảm sầu. Nhiều gia đình thuê nhạc kèn Tây chơi những bản trữ tình du dương hoặc thuê ban nhảy múa sôi động, hò hát thâu đêm suốt sáng. Những ca sĩ hát đám ma ở Sài Gòn thường là người chuyển giới.

Trong những đám ma ở đây, tiếng chuông mõ trầm buồn, tiếng khóc thương của người thân nhường hẳn cho tiếng nhạc xập xình, tiếng vỗ tay rào rào của "khán giả" và tiếng cạn ly thích thú khi ca sỹ hát và nhảy thật "sung". Nhiều gia đình còn "chơi trội" khi thuê người biểu diễn thêm các tiết mục xiếc như múa lửa, phóng dao… giống hệt như những chương trình tạp kỹ. Bởi thế mà những ai không phải là người Sài Gòn sẽ giật mình khó hiểu khi nghe điệu lăm-ba-đa nóng bỏng hay nhạc khúc shalala rộn ràng trỗi lên giữa các đám tang.

Nói chung, tục hát đám ma ở Sài Gòn chẳng khác gì một sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp, được tổ chức công phu với đầy đủ MC, khách mời, ca sĩ, ban nhạc người chuyển giới.

Con cháu của những người đã khuất thường không khóc than, kể lể nhiều như miền Bắc, những người tham dự lễ tang đều tỏ ra vô tư, thoải mái, coi đó là một lẽ tất nhiên mà ai cũng phải trải qua. Có lẽ vì người Sài Gòn quan niệm rằng, chết không có nghĩa là hết mà người chết sẽ được đến với một thế giới khác, an nhiên, tự do tự tại và tốt đẹp hơn thế giới này. Việc khóc than sẽ làm người đã khuất khó có thể ra đi nhẹ nhàng mà vướng bận trần gian. Bởi thế đám tang phải được tổ chức trong không khí vui vẻ để người đã khuất yên tâm ra đi, sớm siêu thoát về cõi tây phương cực lạc.

Trong cuốn Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà văn Sơn Nam có viết, ở Nam Bộ thời xưa, những gia đình khá giả thường rước kép hát, ban nhạc đờn ca tài tử về diễn trong đám tang. “Đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt buồn ngủ gục, chơi nhạc vui, nhưng không lố lăng”.

XEM THÊM

Hải Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/la-ky-tuc-hat-trong-dam-tang-o-sai-gon-75061.html