Lá chắn thép trên bầu trời Việt Nam năm 1979

Bộ đội phòng không Việt Nam trải qua những năm tháng chiến đấu với Không lực Hoa Kỳ đã phát triển trở thành lực lượng thiện chiến nhất thế giới.

Tại thời điểm năm 1979 khi Chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, ngoài việc tăng cường lực lượng không quân với máy bay chiến đấu hệ 2 từ trong Nam điều động ra thì các đơn vị phòng không cũng nhanh chóng được củng bố và xây dựng mới.

"Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không 1965 - 2005" ghi rõ: Đầu năm 1979, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không tổ chức thành lập Sư đoàn phòng không 369, các trung đoàn tên lửa 281, 258, và 255.

Ngoài ra, Quân chủng còn khôi phục lại Sư đoàn phòng không 377, Trung đoàn tên lửa 277 và điều động một số trung đoàn tên lửa, pháo phòng không ở trong Nam ra ngoài Bắc.

Trung đoàn tên lửa 281 được thành lập ngày 24/3/1979 tại Đà Nẵng, ban đầu thuộc Sư đoàn phòng không 375.

Trung đoàn 281 được biên chế 4 tiểu đoàn hỏa lực 181, 182, 183, 184 và tiểu đoàn kỹ thuật 185. Đầu năm 1980, trung đoàn được điều về Sư đoàn phòng không 369 triển khai chiến đấu ở khu vực Quảng Ninh.

Trung đoàn tên lửa 258 chính thức thành lập ngày 11/4/1979 tại xã Hòa Phát, thành phố Đà Nẵng, biên chế gồm 4 tiểu đoàn hỏa lực 46, 47, 48, 49 và tiểu đoàn kỹ thuật 50.

Sau khi tập trung chuyển loại tên lửa S-125 Pechora với thời gian 8 tháng tại trung tâm huấn luyện ở Đà Nẵng do Sư đoàn 375 quản lý, trung đoàn đã cơ động ra triển khai chiến đấu ở Hải Phòng, trực thuộc Sư đoàn phòng không 363.

S-125 Pechora là tên lửa phòng không hiện đại nhất của Việt Nam tại thời điểm năm 1979

S-125 Pechora là tên lửa phòng không hiện đại nhất của Việt Nam tại thời điểm năm 1979

Trung đoàn tên lửa 255 thành lập cùng ngày với Trung đoàn 258 nhưng tại Ba Vì, Hà Tây. Trung đoàn được biên chế 4 tiểu đoàn hỏa lực 191, 192, 193, 194 và tiểu đoàn kỹ thuật 195.

Sau khi tiếp nhận và huấn luyện chuyển loại khí tài Volga mới, trung đoàn được điều về Sư đoàn 363 triển khai chiến đấu ở Hải Phòng cùng với Trung đoàn 258.

Ngay sau khi được tổ chức thành lập lại và cùng với Trung đoàn 255 huấn luyện chuyển loại khí tài tên lửa S-75M Volga ở Sơn Tây, Trung đoàn tên lửa 277 gồm 4 tiểu đoàn hỏa lực và tiểu đoàn kỹ thuật đã được điều về Sư đoàn phòng không 361.

Trung đoàn tên lửa 274 thuộc Sư đoàn phòng không 377 gồm các tiểu đoàn 86, 87, 88, 89, 90 triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ khu công nghiệp Việt Trì, bảo vệ phía Bắc Hà Nội và sẵn sàng cơ động lên biên giới khi có lệnh.

Các đơn vị phòng không Việt Nam được trang bị tên lửa S-75 Dvina cũng nhanh chóng triển khai đội hình tác chiến

Cũng trong thời gian này, Bộ tư lệnh Quân chủng đã tổ chức điều chỉnh đội hình chiến đấu và điều động lực lượng tên lửa tăng cường lên biên giới phía Bắc.

Trung đoàn tên lửa 285 hành quân từ khu vực Thủ Đức ra Bắc triển khai trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn phòng không 365.

Tháng 4/1979, Trung đoàn 238 cơ động một phần lực lượng sang bảo vệ khu vực Uông Bí - Mạo Khê.

Tháng 5/1979, Trung đoàn 276 cơ động 2 tiểu đoàn 164, 169 lên biên giới phía Bắc thuộc khu vực Đình Lập - Lộc Bình.

Ngày 9/10/1979, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định điều động Trung đoàn 257 từ Sư đoàn 363 về Sư đoàn 369.

Tất cả các đơn vị đều nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn đảm bảo cơ động, triển khai lực lượng đúng kế hoạch và an toàn.

Lưới lửa phòng không của Việt Nam bảo vệ bầu trời vào thời điểm năm 1979 là cực mạnh

Như vậy đến cuối năm 1979, trên địa bàn chiến lược phía Bắc và Đông Bắc của tổ quốc đã có tới 5 trung đoàn tên lửa phòng không 276, 267, 285, 255 và 257. Trên địa bàn Tây Bắc có Trung đoàn tên lửa 274.

Các trung đoàn tên lửa đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng pháo phòng không của các sư đoàn 365, 369, 377, với không quân và các lực lượng phòng không quân khu, quân đoàn bộ binh trong khu vực tạo thành lưới lửa phòng không rộng khắp nhiều tầng.

Toàn bộ các đơn vị phòng không kiên quyết thực hiện ý định tác chiến của cấp trên: “lên cao, vươn xa, đánh sớm, đánh thắng”, “bắn rơi máy bay địch ngay trên tuyến đầu, trận đầu, bằng quả đạn đầu”.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, đối đầu với lực lượng phòng không và không quân hùng hậu của Việt Nam tại thời điểm đó là quá sức với Trung Quốc, bởi vậy toàn bộ máy bay chiến đấu của họ đều phải "nằm đất".

Chiến tranh 1979: Át chủ bài chống tập kích chiếm Hà Nội

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/la-chan-thep-tren-bau-troi-viet-nam-nam-1979-3374558/