Lá chắn tên lửa toàn diện của Nga

Với hệ thống điều khiển kỹ thuật số và hiệu quả chiến đấu cao, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung hiện đại Buk-M3 trở thành 'thợ săn' tên lửa đáng tin cậy của các đơn vị phòng không thuộc quân đội Nga. Dù có cùng tên gọi nhưng tổ hợp tên lửa phòng không mới này ít có điểm chung với những tổ hợp Buk thế hệ đầu tiên được đưa vào trực chiến từ những năm 80…

“Gia đình” Buk

Các nhà thiết kế của Viện Nghiên cứu khoa học chế tạo thiết bị Tihomirova (hiện nay thuộc Tập đoàn Almaz-Altey) đã bắt tay vào công tác phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk từ cuối những năm 70. Những tổ hợp tên lửa phòng không Buk đầu tiên gia nhập biên chế Quân đội Liên Xô vào những năm 80 để thay thế cho tổ hợp tên lửa phòng không Kub đã trở nên lỗi thời ở thời điểm đó. Tổ hợp tên lửa phòng không Buk thế hệ đầu tiên đánh trúng mục tiêu trên không ở độ cao 18km và ở khoảng cách lên đến 25km.

Phiên bản tiếp theo, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2, đã phô diễn khả năng chiến đấu xuất sắc tại Syria khi đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa do lực lượng liên minh Mỹ, Anh và Pháp thực hiện vào tháng 4 năm nay. Buk-M2 đã bắn hạ được chính các mục tiêu mà hệ thống phòng không Syria không hoạt động hiệu quả. Radar phát hiện mục tiêu của Buk-M2 có thể quan sát không phận trong phạm vi bán kính 70km. Các tên lửa hành trình của Mỹ chủ yếu bay qua thung lũng Beqaa, gây khó khăn cho hệ thống phòng không Syria trong việc phát hiện mục tiêu, nhưng nhờ có Buk-M2, phần lớn các tên lửa này của Mỹ đã bị cản phá. Tất cả các mục tiêu khó đối phó, đặc biệt là ở vùng ngoại ô Damascus của Syria, cũng đã bị Buk-M2 bắn hạ.

Xe mang phóng 9M317M thuộc tổ hợp phòng không Buk-M3 tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự Army-2018. Ảnh: vpk.name

Phiên bản mới nhất Buk-M3 được phát triển bởi Viện Nghiên cứu khoa học chế tạo thiết bị Tihomirova từ năm 2007 và gia nhập biên chế Quân đội Nga vào năm 2016. Thành phần tổ hợp Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu, hai xe mang phóng tự hành 9A317M với 6 tên lửa, một hoặc hai xe vận chuyển-phóng với 12 tên lửa và xe vận chuyển kiêm tiếp đạn.

Với đặc tính cơ động và đa năng, các tổ hợp tên lửa phòng không di động của “gia đình” Buk đã thu hút được một lượng khách hàng ổn định trên thị trường vũ khí quốc tế. Tập đoàn Rosoboronexport đã ký hợp đồng cung cấp sư đoàn Buk-M2E cho Kazakhstan vào năm 2020. Quan tâm đến các tổ hợp tên lửa phòng không này của Nga còn có một số quốc gia ở Trung Đông và châu Á.

Những điểm vượt trội của Buk-M3

Nếu tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 mang theo 4 quả tên lửa thông thường “để trần” thì Buk-M3 được trang bị 6 ống phóng. Các ống phóng của Buk-M3 chứa tên lửa điều khiển phòng không mới 9M317M, vượt trội so với các mẫu tên lửa trước đó gần gấp 2 lần về đặc tính kỹ thuật. Tên lửa 9M317M có thể đánh chặn gần như tất cả các mục tiêu khí động học (máy bay, trực thăng và các mục tiêu trên không khác) hiện nay ở tầm xa từ 2,5 đến 70km và trên độ cao lên tới 40km. Được trang bị loại đạn nổ-phân mảnh với đầu đạn tự tìm mục tiêu bằng sóng radar, tên lửa 9M317M cực kỳ cơ động, có thể bám theo những mục tiêu trên không bay theo đường quỹ đạo phức tạp. Các tên lửa trang bị cho Buk-M3 được phóng theo phương thẳng đứng và ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu ngay sau khi phóng. Điều này làm tăng đáng kể tốc độ phóng tên lửa. Lần phóng tiếp theo được thực hiện chỉ vài giây sau lần phóng trước.

“Mắt” và “tai” của tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 là trạm radar đa chức năng. Trạm radar đa kênh này hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và khí hậu (ở nhiệt độ từ -50 độ C đến +50 độ C). Ngoài ra, Buk-M3 còn có thể phối hợp hoạt động với hệ thống phòng không khác như Tor-M2. Những tổ hợp này sẽ tạo thành một hệ thống kiểm soát phòng không tự động thống nhất và phân chia các mục tiêu thông qua trạm phát hiện và chỉ định mục tiêu Kupol. Tor-M2 và Buk-M3 sẽ cùng nhau xác định các đối tượng ưu tiên cao nhất của cuộc tấn công. Nhờ thông tin được chuyển đến từ trạm phát hiện và chỉ định mục tiêu Kupol, Tor-M2 và Buk-M3 sẽ biết được mục tiêu nào đã bị tiêu diệt và mục tiêu nào chưa bị tấn công. Sự kết hợp này mang lại khả năng chiến đấu cao, góp phần ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào bằng phương tiện tấn công trên không.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nhận định: “Buk-M3 là phương tiện phòng không toàn diện”. Không có một máy bay chiến thuật hoặc chiến lược nào, trong đó có những máy bay được chế tạo theo công nghệ tàng hình, cũng như tên lửa hành trình nào có thể thoát khỏi Buk-M3. Ngoài các mục tiêu trên không, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 cũng có thể phá hủy các cơ sở trên mặt đất và trên biển của đối phương.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/la-chan-ten-lua-toan-dien-cua-nga-554280