Lá chắn ngoại giao cho phép EU vượt mặt Mỹ về Iran

EU chính thức công bố một cơ chế thương mại đặc biệt với Iran nhằm tránh trừng phạt từ Mỹ.

Theo thông báo từ Cơ quan Đối ngoại của châu Âu (EEAS), Công cụ Hỗ trợ trao đổi Thương mại (INSTEX) - một cơ chế thanh toán thương mại giữa EU - Iran “đã đi vào hoạt động và mọi thành viên của EU có thể dùng cũng như các giao dịch đầu tiên đã được xử lý”.

EU hợp tác với Iran thông qua cơ chế tài chính Mỹ không thể trừng phạt.

EU hợp tác với Iran thông qua cơ chế tài chính Mỹ không thể trừng phạt.

"Pháp, Đức và Vương quốc Anh thông báo cho những người tham gia rằng INSTEX đã được vận hành và có sẵn cho tất cả các quốc gia thành viên EU và các giao dịch đầu tiên đang được xử lý" - thông báo nêu rõ.

EU theo đó cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Iran.

Thông báo được đưa ra trong cuộc họp các bên đang tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 diễn ra hôm 28/6.

Châu Âu đã tiết lộ về cơ chế INSTEX từ hồi tháng 1, tuy nhiên EU nói rằng nó sẽ “tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết với người dân Iran như dược phẩm, thiết bị y tế và hàng hóa nông lương”, hạn chế hơn so với các lĩnh vực được quy định trong JCPOA trước đó (bao gồm dầu mỏ).

INSTEX được cho là một lá chắn ngoại giao cho phép trao đổi hàng hóa mà không yêu cầu chuyển tiền trực tiếp giữa các công ty Iran và EU.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi gọi cuộc họp là động thái “tích cực” và là “bước tiến” nhưng nói rằng nó “vẫn chưa đủ và chưa đáp ứng kỳ vọng của Iran”. Quan chức này cho biết quyết định cuối cùng sẽ do Tehran đưa ra.

Tehran đã có ý định sớm làm giàu uranium với sản lượng vượt quá giới hạn trong thỏa thuận năm 2015, nhằm đáp trả việc EU, Pháp, Đức và Anh không bình thường hóa quan hệ thương mại với Tehran do áp lực từ Mỹ.

DW của Đức bình luận, thông báo công khai của EU về INSTEX lần này được cho là một nỗ lực đầy thiện chí từ các nước EU cho thấy họ nghiêm tục trong kế hoạch giảm bớt hậu quả của các lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với Iran, nhằm thuyết phục Iran duy trì thỏa thuận JCPOA.

Phía Mỹ cho rằng, các cơ chế mới của EU và Iran không thể tồn tại lâu.

"Chúng tôi không thấy bất kỳ nhu cầu của công ty nào đối với cơ chees này bởi nếu một công ty được lựa chọn giữa kinh doanh tại Mỹ hoặc kinh doanh ở Iran thì tất nhiên, lúc nào họ cũng sẽ chọn Mỹ. Đó là đánh giá hiện tại của chúng tôi về INSTEX" - đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Brian Hook cho biết.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu lạc quan hơn.

"Mỹ đã đặt ra các quy tắc đơn phương đối với các lệnh trừng phạt thứ cấp, lạm dụng sự thống trị tài chính toàn cầu của nước này" - các chuyên gia nhận định.

Nhưng một khi 3 nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu tham gia vào kế hoạch INSTEX, cơ chế mới này có thể khiến Washington phải suy nghĩ hai lần trước khi có đánh giá chính thức về cơ chế mới.

Châu Âu là một đồng minh của Mỹ đã không ủng hộ việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận JCPOA. Giới quan sát cho rằng, nếu thiếu yếu tố EU, Mỹ không thể làm gì với Iran, kể cả trừng phạt.

Franco Frattini, cựu bộ trưởng Ngoại giao Ý cho rằng, Mỹ bị hạn chế đáng kể bởi sự miễn cưỡng của châu Âu trong việc hỗ trợ chính sách đối ngoại của Washington.

“Mỹ cần châu Âu vì châu Âu có truyền thống chính trị lâu đời ở Trung Đông. Sự hiện diện của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên châu Âu luôn được nhìn nhận theo cách tốt hơn của Mỹ”, ông nói.

Ông Frattini cho rằng Liên minh châu Âu hiện không trong trạng thái tốt nhất để đối đầu với quan điểm của Mỹ về Trung Đông. “Châu Âu đã mất đi đòn bẩy chính trị quan trọng của mình. Ủy ban châu Âu hiện đang hoạt động rất không hiệu quả. Các quốc gia thành viên bị chia rẽ trong khi giải quyết vấn đề của Iran” - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ý nhận định.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/la-chan-ngoai-giao-cho-phep-eu-vuot-mat-my-ve-iran-3382893/